Hai mặt toàn cầu hóa

ANTĐ -Tổng thư ký Diễn đàn thương mại và phát triển LHQ (UNCTAD) S. Panitchpakdi lại vừa lên tiếng cảnh báo về nghịch lý của quá trình toàn cầu hoá.

Trong thông báo các vấn đề chính sách phát triển chuẩn bị cho Hội nghị LHQ về buôn bán và phát triển lần thứ 13, diễn ra vào tháng 4 tới, ông S. Panitchpakdi cho rằng tiến trình tự do hoá mạnh mẽ khu vực tài chính trên toàn cầu đã làm tăng nhanh chóng các dòng vốn xuyên biên giới, sự lưu thông tự do của dòng vốn đã tận dụng tốt hơn các cơ hội đầu tư, tạo việc làm, tăng năng suất và thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng nghịch lý là chỉ có một số ít các nền kinh tế đang phát triển được coi là tương đối thành công trong quá trình toàn cầu hoá như các nền kinh tế sản xuất hàng hoá, các nền kinh tế quốc đảo và các nền kinh tế là trung tâm tài chính khu vực.

Toàn cầu hóa đã trở thành một xu thế không thể đảo ngược. Sự phát triển như vũ bão của lực lượng sản xuất đã phá vỡ mọi hàng rào ngăn cách địa giới trong giao dịch giữa các quốc gia, còn sự ra đời và ứng dụng rộng rãi của Internet thì biến cả thế giới thành “một ngôi làng”. Phân công lao động quốc tế dẫn đến phương châm kinh doanh lấy thế giới làm nhà máy của mình, lấy các quốc gia khác làm phân xưởng của mình đã tận dụng được ưu thế kỹ thuật, tiền vốn, sức lao động và thị trường của các nước, thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh chóng.

Tuy nhiên, toàn cầu hóa thường gây ra hiệu ứng hai mặt. Có những khu vực, những nước và doanh nghiệp giàu lên nhanh chóng nhờ toàn cầu hóa; nhưng có những khu vực, những nước và doanh nghiệp bị thua thiệt hoặc thậm chí bị đẩy ra khỏi dòng chảy sôi động của thương mại và đầu tư quốc tế. Thậm chí theo giáo sư Joseph E. Stiglitz, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2001, cách thức tiến hành toàn cầu hóa như hiện nay chỉ phù hợp với lợi ích của các nước đã phát triển và các tầng lớp có quyền lực, khiến cho hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng rộng trên phạm vi toàn cầu.

Trước hết, các nước phương Tây đã ép buộc nhiều nước nghèo xóa bỏ hàng rào thương mại, nhưng lại giữ lại hàng rào thương mại của chính họ. Các chính sách như duy trì chế độ hạn ngạch đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước đang phát triển, hay tiếp tục trợ cấp nông nghiệp khiến cho hàng nông sản của các nước đang phát triển khó cạnh tranh, dẫn đến hậu quả là nhiều nước nghèo nhất thế giới đã bị làm cho nghèo hơn.

Không những thế, toàn cầu hóa cũng đã không thành công trong việc bảo đảm sự ổn định. Ông Joseph E. Stiglitz cho rằng chính sách đòi hỏi các nước phải tự do hóa thị trường tài chính, nới lỏng việc kiểm soát chu chuyển vốn chỉ tạo ra sự phá hoại. Những dòng tiền chạy ra khỏi các nước một cách đột ngột sẽ để lại sau lưng nó sự sụp đổ của hệ thống tỷ giá, và sự suy sụp của cả hệ thống ngân hàng. Khủng hoảng tài chính trở thành một hiểm họa luôn đe dọa các nền kinh tế mới nổi lên.