Hai mặt của một vấn đề

ANTĐ - Cho đến nay, tái cơ cấu đầu tư công là một trong những khâu đã đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả rõ nét. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư khẳng định như vậy, trong khi Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội lại cho rằng, tái cơ cấu đầu tư công chỉ thực hiện những giải pháp mang tính tình huống và ngắn hạn. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn, trong đó có nguồn vốn vay, trong khi nợ công có xu hướng tăng nhanh trong thời gian qua.

Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, nợ công trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn, không vượt quá 65% GDP. Tuy vậy, áp lực trả nợ rất lớn và Chính phủ cam kết sẽ bảo đảm thực hiện đúng Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia đã được phê duyệt. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn thế giới như Moody’s, Standard&Poor và Fitch đều xếp hạng nợ công của Việt Nam ở mức ổn định. Tuy nhiên, một tương lai an toàn cho vấn đề nợ công chưa thể khẳng định, khi mà thâm hụt ngân sách diễn ra liên tục trong một thập kỷ qua và mức độ ngày càng gia tăng.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội lưu ý, mặc dù chỉ tiêu về trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách Nhà nước luôn nằm trong giới hạn an toàn, song điều này chưa bền vững, khi kỷ luật tài chính chưa chặt chẽ, có những biểu hiện buông lỏng. Các báo cáo thẩm tra ngân sách của Ủy ban này trong các năm qua, thường xuyên đưa ra những nhận định về kỷ luật tài chính không nghiêm, tình trạng sử dụng ngân sách sai mục đích, vượt định mức, tiêu chuẩn trong khi dự toán vẫn tồn tại khá phổ biến và chậm được khắc phục. Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nhìn nhận, nợ công dưới 65% GDP là an toàn, nhưng sau 2015, nước ta sẽ phải dùng 1/3 nguồn thu ngân sách để trả nợ.

Trong khi đó người dân, doanh nghiệp phải đóng thuế, thì tình trạng “vung tay quá trán” trong chi tiêu cho bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả, khung bộ máy Nhà nước vẫn tiếp diễn, không ngân sách nào chịu nổi. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có một nghiên cứu sâu về lĩnh vực này, trong đó nhấn mạnh, nợ công đôi khi là cần thiết với một quốc gia như Việt Nam, khi mà nhu cầu đầu tư công cho cơ sở hạ tầng rất lớn, hoặc trong thời kỳ kinh tế suy giảm cần các gói kích thích kinh tế. Song, việc kéo dài thâm hụt ngân sách và kéo theo nợ công tăng nhanh, ngoài nguy cơ khủng hoảng nợ, trong dài hạn nó còn tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế vĩ mô. Luật Đầu tư công đang được hoàn thiện, dự kiến có thể thông qua tại kỳ họp Quốc hội cuối năm nay, được kỳ vọng là “chìa khóa” cho lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư công với những quy định công khai, minh bạch, đảm bảo nguồn vốn đầu tư đúng định hướng, đúng trọng tâm. Các điều luật theo hướng siết chặt hơn tình trạng đầu tư công dàn trải, hạn chế những công trình quá “hoành tráng” trong khi đất nước còn nghèo, dẫn đến nợ đọng lớn đang ở ngưỡng cao, báo động.

Đầu tư công-nợ công là hai mặt của một vấn đề. Việc sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, tập trung vào việc đảm bảo khả năng cân đối nguồn lực, kiểm soát nợ quốc gia là một trong những vấn đề cốt lõi, sống còn trong quản lý đầu tư công. Đặc biệt, là để giảm thiểu gánh nặng trả nợ từ hệ lụy đầu tư công cho thế hệ mai sau.