Báo cáo Thường niên kinh tế Việt Nam:

Hai kịch bản cho nền kinh tế

ANTĐ - Hôm qua (27-5), Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách Việt Nam (VERP) Đại học QGHN đã chính thức công bố Báo cáo Thường niên kinh tế Việt Nam năm 2013. Báo cáo đã đưa ra 2 kịch bản cho nền kinh tế. 
Hai kịch bản cho nền kinh tế ảnh 1
Tái cơ cấu hợp lý, khoa học sẽ giúp các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất,
thoát khỏi vòng xoáy giảm phát suy giảm kinh tế


Tăng trưởng từ 5,04 -5,35%

Với chủ đề “Trên đường gập ghềnh tới tương lai”, Báo cáo phản ánh dự cảm lo ngại về nguy cơ nền kinh tế Việt Nam khó đạt được sự phục hồi suôn sẻ. Báo cáo cũng đưa ra hai kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam. Hai kịch bản cho thấy tăng trưởng của năm 2013 chỉ tương tự như năm 2012, kinh tế vẫn tiếp tục đi ngang trong thế chờ đợi những điều chỉnh thực sự trong cấu trúc kinh tế. 

Kịch bản thấp dự báo mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 5,04%, trong khi kịch bản cao hơn cũng chỉ đạt mức là 5,35%. Lạm phát của cả năm 2013 được dự báo đạt mức tương đối ổn định, trong vùng dự kiến từ 4,95% đến 6,64%. TS. Nguyễn  Đức Thành – Giám đốc VEPR nhìn nhận: “Một loạt vấn đề ngắn và trung hạn được đặt ra cho Việt Nam, bao gồm việc giải quyết nợ xấu trong hệ thống tài chính và hồi sinh khu vực doanh nghiệp. Vấn đề hồi phục thị trường bất động sản với một khuôn mặt mới, triết lý kinh doanh mới, để thông qua đó hỗ trợ hệ thống tài chính – tín dụng phục hồi cũng là một nhu cầu cấp bách. Thêm vào đó, những vấn đề dài hạn cần được đặt ra thông qua những bước đi cụ thể ngay từ lúc này, bao gồm việc cải thiện môi trường kinh doanh, khôi phục niềm tin của dân chúng và nhà đầu tư, giảm mệnh lệnh hành chính và can thiệp nhà nước trong hoạt động kinh tế...”.

Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia - TS. Vũ Viết Ngoạn cũng cho rằng, điều cần tập trung nhất hiện nay chính là tái cơ cấu. Nếu giải quyết được vấn đề này nền  kinh tế sẽ không lo ngại bị rơi vào vòng xoáy liên tục lạm phát hay suy giảm kinh tế.

Báo cáo cũng chỉ ra, một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc lớn vào các nền kinh tế khác. Đi sâu vào mô hình thương mại Việt - Trung, báo cáo thể hiện đặc điểm rõ nét của quan hệ thương mại giữa hai nước có sự chênh lệch về trình độ phát triển. Trong số hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc, hàng hóa mang tính tài nguyên thô sơ và sơ chế vẫn chiếm ưu thế nổi trội. Trong khi đó, Việt Nam lại nhập khẩu từ Trung Quốc hàng công nghiệp chế tạo, thiết bị linh kiện. Mặc dù có sự cải thiện về xuất khẩu hàng hóa như máy vi tính, và linh kiện điện tử sang Trung Quốc nhưng đó đa phần là xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chứ không phải của doanh nghiệp Việt Nam.

Đánh giá về điều này TS. Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, Việt Nam cần chủ động cải thiện cơ cấu thương mại, đồng thời có các chính sách hỗ trợ khu vực công nghiệp chế tạo. Trong đó cần thiết lập các hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đầu tư cho công nghiệp chế biến nông sản. Về lâu dài phối hợp xây dựng các ngành công nghiệp phù hợp cho Việt Nam, phát triển cụm liên kết.

Giải quyết nợ xấu cần thời gian

Theo các chuyên gia, từ năm 2011, Việt Nam thực hiện tái cấu trúc kinh tế, trong đó tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng là một trong những vấn đề trọng tâm. Ba vụ sáp nhập mua lại liên quan tới 7 ngân hàng trong đó có ngân hàng khả năng thanh khoản kém, tỷ lệ nợ xấu cao trong năm 2011, 2012 và dấu hiệu về những vụ mua bán sáp nhập tiếp theo đặt ra yêu cầu cần có giải pháp hiệu quả trong dài hạn đối với vấn đề nợ xấu của hệ thống.

TS. Lê Đăng Doanh nhận định, công ty xử lý nợ xấu quốc gia VAMC đã ra đời. Có xử lý được nợ xấu như mong muốn hay không là vấn đề lớn. Nếu công ty này chỉ dùng “thủ thuật làm sạch sổ sách” thì nợ xấu chỉ giải quyết được trong ngắn hạn, sau đó sẽ lại “bùng” lên. Các ngân hàng thương mại luôn giấu nợ xấu, cần minh bạch số liệu trước đã. Các chuyên gia cũng cho rằng, xử lý nợ xấu sẽ phải tốn khoảng thời gian dài từ 5-7 năm. 

Còn TS. Vũ Viết Ngoạn cho rằng, sự ra đời của VAMC giúp ngân hàng xử lý nợ xấu nhanh hơn. “VAMC ra đời, ngân hàng sẽ có điều kiện để xử lý nợ xấu nhanh hơn. Nhưng việc liệu VAMC có giải quyết triệt để được nợ xấu như kỳ vọng hay không cũng cần phải xác định là chúng ta không thể yêu cầu quá lớn. Bởi một mình VAMC không thể làm được tất cả mà cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ đi kèm, trước hết là phải ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Vũ Viết Ngoạn đánh giá. 

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, với tình trạng nợ xấu trong mối quan hệ với các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam, xử lý nợ xấu mang tính hệ thống là yêu cầu cấp thiết. Để giải quyết nợ xấu, trước hết cần xác định đúng quy mô, mức độ nghiêm trọng và tác động của nợ xấu tới nền kinh tế. Thời gian xử lý cần khoảng 7 - 10 năm chứ không thể chỉ trong thời gian ngắn 2 - 3 năm như kỳ vọng.