Hãi hùng lò mổ lợn thủ công

ANTĐ - Để đảm bảo VSATTP trong giết mổ gia súc, Hà Nội đã có quy hoạch giết mổ công nghiệp, đồng thời có quy định về vận chuyển khi lưu thông trên phố. Trong khi một số tỉnh, thành đã hoàn thành quy hoạch giết mổ treo hiện đại, thì Hà Nội vẫn cứ ì ạch giết mổ thủ công, mất VSATTP nghiêm trọng. 

Thịt lẫn với phân, nước thải

Có vệ sinh hơn lò mổ Thịnh Liệt?

(Ảnh chụp tại lò mổ Vạn Phúc rạng sáng 17-4)

 

Rạng sáng 17-4, Đoàn kiểm tra Bộ NN&PTNT kiểm tra việc thực hiện VSATTP tại các lò giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội. Những tưởng, thành phố quyết tâm đóng cửa lò giết mổ thủ công Thịnh Liệt thì VSATTP sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, qua ghi nhận tại 3 cơ sở giết mổ được kiểm tra cho thấy, không hề tiến bộ hơn so với trước đây. Toàn bộ khâu giết mổ tại Công ty Cổ phần Thịnh An (Vạn Phúc, Thanh Trì), khu giết mổ của Công ty TNHH Minh Hiền (khu công nghiệp Bích Hòa, Thanh Oai) và cơ sở giết mổ Vinh Anh (Từ Liêm) vẫn là thủ công. Lợn được giết mổ dưới nền đất lẫn với nước, tiết, lông nhầy nhụa trên nền gạch. Người giết mổ đi ủng, dép lê, tay cầm vòi phun nước, chân đạp vào lợn để rửa. Sau khi giết mổ xong lợn được vận chuyển bằng xe máy với phương thức như lò mổ Thịnh Liệt nhiều năm trước đó. 

Ông Lê Văn Bầm, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT- Bộ NN&PTNT nhận định: “Tôi tham gia kiểm tra VSATTP giết mổ tại Hà Nội 10 năm nay, những năm trước, điểm nóng là Thịnh Liệt, nói mãi, nhắc mãi thì có 1 tiến bộ, là tách riêng khu giết mổ với khu làm lòng. Thịnh Liệt đóng cửa rồi, các hộ giết mổ xé lẻ đi nơi khác nhưng không có gì cải tiến, vẫn mất vệ sinh trầm trọng như vậy”.

Tại lò mổ Vạn Phúc (Thanh Trì), một trong hai lò mổ hình thành sau khi Thịnh Liệt đóng cửa, đông đúc như một đại công trường, không khí tại đây sực mùi hôi, tanh nồng. Đi sâu vào trong, cả sân lò mổ nhuộm một màu đỏ ngầu, kèm theo đó là lông lợn, mỡ váng lênh láng khắp nơi. Toàn bộ khâu giết mổ diễn ra hoàn toàn thủ công, mất vệ sinh. Lợn được mổ phanh, lòng phân, nước thải tung toé dưới nền, nhiều xô chậu đựng tiết cáu bẩn từ lâu không được cọ rửa. Lông lợn, phân lợn theo dòng nước thải chảy tràn lan khắp khu mổ.

Không đảm bảo vẫn đóng dấu?

Lợn được vận chuyển “trần trụi” trên xe máy không đúng với quy định, nhưng toàn bộ các xe chở lợn vẫn được trạm kiểm dịch đóng dấu và cho lưu thông ra thị trường. Theo ông Bầm, về mặt văn bản quy định trong giết mổ, vận chuyển lợn đã qua giết mổ, thành phố Hà Nội đã có đầy đủ, tuy nhiên, khi các sở, ngành chức năng thực hiện thì không rốt ráo, thành thử, văn bản không có hiệu lực. Vi phạm vẫn tràn ngập tại các lò mổ. Tuy nhiên, điều đáng nói, giết mổ không đảm bảo VSATTP nhưng lực lượng thú y vẫn đóng dấu kiểm dịch. 

Ngay tại cơ sở giết mổ của Công ty cổ phần Thịnh An, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty này cho biết, đã đầu tư gần 20 tỷ đồng trên diện tích 4.000m2, gồm cả khu nuôi nhốt và khu giết mổ, song toàn bộ khâu giết mổ vẫn diễn ra dưới sàn. “Giết mổ dưới sàn, thân thịt lẫn cả với lông, phân, nước thải, rất bẩn. Rất dễ bị nhiễm vi sinh”, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định. Trả lời về việc vận chuyển lợn bằng xe máy không có che chắn, ông Tuấn cho biết, ban đầu khi xây dựng cơ sở giết mổ doanh nghiệp không được biết, đến khi đi vào hoạt động mới biết quy định của TP, nên đang đề nghị  được hỗ trợ xe chuyên dùng.

Đánh giá về việc không siết chặt trong đóng dấu kiểm dịch, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu bức xúc: “Cán bộ thú y tại các lò mổ đáng lý phải làm quyết liệt chuyện kiểm dịch vệ sinh và đóng dấu kiểm dịch. Phải buộc các lò giết mổ làm đúng quy trình VSATTP, nếu không làm đúng quy trình thì tuyệt đối không được đóng dấu. Vậy nhưng tôi thấy sự việc ở đây hoàn toàn trái ngược. Không có kiểm tra, không có giám sát, không xử phạt. Lò giết mổ thế này thì chỉ là tập trung các hộ giết mổ chứ làm gì có quy định nào áp dụng đâu, có ai làm theo quy định và có ai kiểm tra xử phạt đâu”.

Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội thừa nhận: “Lợn được giết mổ trên nền thế này làm sao mà đảm bảo được. Đúng ra phải có móc treo, xe chuyên dùng và kiểm soát thú y chặt chẽ. Theo đúng quy định, lợn giết mổ dưới nền thì thú y không được đóng dấu. Nhưng, thực sự, không đóng dấu thì lại không biết đâu để kiểm soát”.

Trong bối cảnh VSATTP đang nóng như hiện nay, các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ngày một nhiều, đáng nói, ngay cả khâu chăn nuôi cũng mất an toàn như việc sử dụng tràn lan chất tạo nạc thời gian qua thì kiểm soát giết mổ là thực sự cần thiết. Hà Nội mỗi ngày tiêu thụ hàng trăm tấn thịt lợn, nhưng quy hoạch giết mổ tập trung, hiện đại, đảm bảo VSATTP cho hàng triệu người tiêu dùng bao giờ mới có?