Hai con đường

ANTĐ - Vị sư già sống trên núi có 2 đệ tử. Để rèn luyện, ông yêu cầu 2 đệ tử mỗi buổi sáng đều phải xuống ngôi làng nằm ở chân núi xách nước lên. Ban đầu, cả hai đều đi theo con đường lớn, mất chừng 30 phút. Một hôm, đệ tử nhỏ tuổi phát hiện có một con đường nhỏ gần hơn, tuy khúc khuỷu nhưng vắng người, vừa đi vừa về chỉ mất chừng 20 phút. Từ đó, 2 đệ tử mỗi người đi một lối, người nhỏ tuổi đi đường nhỏ, người lớn tuổi vẫn kiên trì đi đường lớn.

Một thời gian sau, sư môn có thêm đệ tử thứ 3. Người này cũng được giao việc đi xách nước, nhưng lạ cái là, ngày nào anh cũng hoàn thành công việc sớm hơn 2 sư huynh. Khi cả 4 thầy trò ngồi đàm luận, vị sư già bèn hỏi đệ tử thứ 3 xem làm thế nào mà luôn về sớm. Đệ tử thứ 3 cười nói: “Thực ra rất đơn giản, lúc đi, con chọn đường nhỏ, lúc về, con đổi sang đường lớn. Đường nhỏ nếu có nước vãi ra sẽ trơn trượt, không tiện cho việc xách nước lên, còn đường lớn lúc quay lên cũng đã vãn người, vì thế mà nhanh hơn rất nhiều”. 

Vị sư già nghe xong, cả cười: “Chính xác. Đời người ai cũng trải qua những con đường. Đường lớn thì ai cũng muốn đi, nên dù bằng phẳng nhưng lại chật chội; đường nhỏ ít người qua lại, khúc khuỷu nhưng gần hơn. Đi đường nào, nên căn cứ vào thực tế, chứ đừng nên theo mãi thói quen. Phải biết cách đi đường lớn, cũng cần biết cách đi đường nhỏ, mới có thể vượt được người”.