Hai cảnh sát ở Kentucky trúng đạn khi ngăn chặn làn sóng biểu tình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hai sĩ quan cảnh sát ở thành phố Louisville, Kentucky (Mỹ) đã bị thương sau khi một cuộc biểu tình nổ ra nhằm phản đối việc bồi thẩm đoàn không truy tố các cảnh sát liên quan đến cái chết của nữ nhân viên y tế da màu Breonna Taylor.
Cái chết của cô Breonna Taylor tiếp tục làm “dậy sóng” phong trào biểu tình ở Mỹ

Cái chết của cô Breonna Taylor tiếp tục làm “dậy sóng” phong trào biểu tình ở Mỹ

Theo điều tra được ông Daniel Cameron - Tổng chưởng lý bang Kentucky công bố ngày 23-9, cô Breonna Taylor, 26 tuổi, đã bị giết ngay trước mặt người bạn trai của mình vào quá nửa đêm 13-3-2020 sau khi 3 sĩ quan cảnh sát ập vào nhà với lệnh khám xét. Lệnh sử dụng để khám xét nhà Taylor có liên quan đến một nghi phạm ma túy.

Ông Daniel Cameron cho hay, Trung sĩ Jonathan Mattingly và điều tra viên Myles Cosgrove sử dụng vũ lực dẫn đến cái chết của người phụ nữ da màu là quyền tự vệ chính đáng. Theo luật Kentucky, họ được quyền bắn trả trong khi thi hành công vụ vì bạn trai của Taylor - Kenneth Walker, bắn vào họ, khiến cảnh sát Mattingly bị thương ở đùi.

Viên cảnh sát duy nhất bị truy tố trong vụ việc này là Brett Hankison, bị buộc 3 tội danh gây nguy hiểm cấp độ 1 và có mức án tối đa lên đến 5 năm tù. Tổng chưởng lý Daniel Cameron cho biết, tổng cộng 10 viên đạn mà cảnh sát Hankison đã bắn xuyên qua căn hộ của Taylor tới căn nhà hàng xóm có một người đàn ông, một phụ nữ mang thai và một đứa trẻ. Điều tra cho thấy, không có viên đạn nào của cảnh sát Hankison đã bắn trúng Taylor. Mặc dù vậy, “lực lượng chấp pháp sẽ cố gắng không để sự việc tương tự tái diễn”, người đứng đầu cơ quan tư pháp bang Kentucky nói.

Cùng với vụ thanh niên da màu George Floyd ở Minnesota bị cảnh sát ghì cổ đến chết, vụ án của Taylor đã trở thành tiêu điểm cho các cuộc biểu tình trên toàn nước Mỹ nhằm phản đối chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và yêu cầu cải tổ cảnh sát. Hình ảnh của Breonna Taylor đã được vẽ trên các đường phố, được trang trí trên các biển báo và in trên áo phông của những người nổi tiếng.

Ngay sau thông báo nói trên, ông Ben Crump, luật sư của gia đình Taylor nhận định quyết định này là “thái quá và xúc phạm”. Cùng ngày, người biểu tình đã xuống đường ở Louisville, họ hô vang khẩu hiệu: “Không có công lý, không có hòa bình!” và tuần hành trong nhiều giờ tại thành phố lớn nhất của bang Kentucky. Các cuộc biểu tình kéo dài tới đêm, bất chấp thành phố vẫn áp dụng lệnh giới nghiêm từ 9h tối.

Tuy nhiên, tiếng súng đã vang lên trong cuộc giao tranh giữa những người biểu tình và cảnh sát được trang bị vũ khí. Phóng viên Reuters có mặt tại hiện trường đã nghe thấy tiếng súng nổ ra từ đám đông ngay sau khi cảnh sát bắn hơi cay và lựu đạn gây choáng vào những người biểu tình. Ông Robert Schroeder, Cảnh sát trưởng Louisvile xác nhận với các phóng viên rằng, cuộc biểu tình trên đường phố kéo dài cả ngày và biến thành bạo lực khi 2 cảnh sát làm nhiệm vụ bị bắn nhưng không nguy hiểm đến tính mạng, trong đó 1 người phải phẫu thuật. Một nghi phạm đã bị bắt nhưng chưa được tiết lộ danh tính.

Cục Điều tra liên bang FBI vẫn đang điều tra những vi phạm tiềm ẩn liên quan đến vụ đột kích tại nhà của nạn nhân Taylor hôm 13-3. Trong khi đó, Thống đốc Andy Beshear cho biết, ông đã cho phép triển khai Lực lượng Vệ binh Quốc gia một cách hạn chế. Ông cũng thúc giục Tổng chưởng lý bang đăng trực tuyến tất cả các bằng chứng có thể được công bố mà không ảnh hưởng đến các cáo buộc đã nộp. Các cuộc biểu tình với nhiều quy mô khác nhau để phản đối thông báo của bồi thẩm đoàn Louisville cũng đã được tổ chức tại một số thành phố khác như New York, Washington, Atlanta và Chicago.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24-9 cho biết, ông đã đọc thông cáo của Tổng chưởng lý Kentucky Daniel Cameron, người cũng nằm trong danh sách 20 ứng viên cho chức vụ thẩm phán Tòa án Tối cao đang khuyết. Tổng thống Trump nói rằng “công lý thường không dễ dàng” và ông đang “cầu nguyện cho hai cảnh sát bị bắn”.