Hai bên cùng sống được

ANTĐ - Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát sao, nếu diễn biến lạm phát tháng 3 và 4 tiếp tục được cải thiện thì Ngân hàng có thể tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất. Hiện mức lãi suất huy động ngắn hạn đã về 8% nên việc tiếp tục giảm là khá khó khăn. Song, nếu như năm 2012, Ngân hàng đã kéo lãi suất cho vay từ trên 20%/năm xuống dưới 15%/năm, thì năm nay mức lãi suất cho vay phải về dưới 13%, phổ biến ở mức 11-13%. Đó là định hướng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị triển khai giải pháp tiền tệ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Tiếng nói từ phía doanh nghiệp gần như cùng đồng tình cho rằng, trong tình thế “dở sống, dở chết” hiện nay, ngân hàng phải đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp. Cụ thể là hạ lãi suất cho vay VND và USD hơn nữa thì hai bên mới cùng sống được, nhất là với ngành hàng nông, lâm, ngư nghiệp là lĩnh vực sản xuất, đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế bền vững. Hiện nay lãi suất cho vay đã được khống chế nhưng vẫn còn cao so với các nước trong khu vực. Một tổng giám đốc công ty lớn đặt câu hỏi: Hiện nay,  nơi này cho vay 13%/năm, nơi khác lại cho vay 15%/năm hoặc 11,5%/năm, không hiểu vì sao Ngân hàng Nhà nước đã khống chế lãi suất tiền gửi ngắn hạn là 8%/năm, nhưng lại không khống chế lãi vay mà chỉ đưa ra định hướng 15%/năm? Còn một nghịch lý khó chấp nhận là, cùng một ngành hàng như nhau mà doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn với vốn giá rẻ mang từ nước ngoài vào, trong khi doanh nghiệp trong nước vốn “thấp cổ bé họng” lại phải chịu lãi suất cao.

Ngay cả hiện tại, lãi vay  từ Ngân hàng Đầu tư-Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Vietcombank ở mức 12%/năm, nhưng vẫn còn cao, rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Giám đốc một doanh nghiệp đưa ra hình ảnh ví von: Với kỳ vọng kéo lãi suất cho vay về dưới 13%/năm, dường như ngành ngân hàng đang chuẩn bị bày ra một “bữa tiệc lớn”. Thế nhưng, giới doanh nghiệp chỉ đứng nhìn mà thèm vì không ai ăn được bởi ai cũng đau ốm, bệnh tật, thậm chí cả “ung bướu”. Thể trạng của doanh nghiệp thật sự kiệt quệ sau một thời gian dài chịu áp lực lãi suất ngân hàng ở mức cao. Cho dù lãi suất ở mức 10-15%, nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, khó đủ sức mở rộng sản xuất. Một số địa phương có chính sách bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, nhưng doanh nghiệp vẫn không thể bước vào cửa vì không đáp ứng đủ tiêu chí vay do các dự án thiếu tính khả thi, phù hợp. Đứng ở tầm vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng nhận định, năm nay “vùng mục tiêu lạm phát” được xác định khoảng 6-8%, tham chiếu lạm phát 3 tháng đầu năm, dư địa để giảm lãi suất tiền gửi làm cơ sở giảm lãi suất tiền vay không còn nhiều, nếu có chỉ giảm thêm 1% là cùng. 

Lãi suất “treo” cao, doanh nghiệp “đói” vốn nhưng vẫn không thể tiếp cận, với tay để vay tiền. Ở các nước, ngân hàng muốn thịnh vượng thì phải quý trọng, “chiều chuộng” khách hàng. Ngược lại ở ta, doanh nghiệp lúc nào cũng phải năn nỉ ngân hàng. Doanh nghiệp và ngân hàng ngồi lại với nhau, tìm ra tiếng nói chung, tìm cách tháo gỡ những điểm nghẽn tín dụng, có như vậy mới cùng tồn tại và phát triển, hai bên cùng sống được.