HAGL và bài toán sau khi chia tay Arsenal

ANTD.VN - CLB Arsenal sẽ chính thức chấm dứt hợp đồng với HAGL kể từ hôm nay (30-6-2017), kết thúc mối “lương duyên” 10 năm.

Hợp tác giữa “bầu” Đức với Arsenal kết thúc sau 10 năm, với nhiều dấu ấn song cũng không ít giấc mơ dở dang

Năm 2007, sau cái bắt tay lịch sử với HLV Wenger của Arsenal, “bầu” Đức đã xây dựng Học viện bóng đá HAGL Arsenal JMG. Cũng từ sự hợp tác này, nhiều sự kiện đã lần đầu xuất hiện trong bóng đá Việt Nam như thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai xuất hiện trên sân Emirates trong các trận đấu ngoại hạng Anh, CLB Arsenal sang Việt Nam du đấu, 3 cầu thủ HAGL xuất ngoại thi đấu… 

Ngày xây học viện bóng đá, “bầu” Đức nuôi quyết tâm đào tạo thế hệ cầu thủ tương lai để bóng đá Việt Nam có thể vượt qua cái bóng của người Thái và mơ xuất khẩu cầu thủ Việt Nam sang thị trường châu Âu. 10 năm bền bỉ đầu tư tiền bạc lẫn tâm huyết, vượt qua sự hoài nghi lẫn gièm pha của dư luận, cuối cùng “bầu” Đức cũng đạt thành quả nhất định. Lứa học viên khóa I của học viện với lối đá hay, đá đẹp liên tục vô địch các giải trẻ Đông Nam Á và cũng là lứa hiếm hoi của bóng đá Việt Nam đá sòng phẳng, áp đảo đội trẻ Thái Lan.

Thế nhưng, so với mục tiêu và kỳ vọng ban đầu trước khi đặt bút ký bản hợp đồng hợp tác, cả HAGL lẫn phía Arsenal chưa thể hài lòng. Arsenal tìm đến HAGL, ngoài phát triển bóng đá trẻ cho đối tác còn muốn đào tạo, phát hiện những tài năng bóng đá cho CLB của mình. Nhiều HLV, giảng viên bóng đá trẻ đã được đội bóng nước Anh cử sang học viện ở Gia Lai, có người gắn bó ròng rã tròn 10 năm như HLV Graechen để đãi cát tìm vàng, song đến nay chưa thể tìm được một cầu thủ nào đáp ứng tiêu chí sang Anh thi đấu. 

3 cái tên sáng giá nhất trưởng thành từ học viện là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường cũng chỉ được các CLB làng nhàng của Nhật Bản, Hàn Quốc quan tâm và thường xuyên phải ngồi dự bị. Tuấn Anh và Công Phượng không trụ được phải trở về nước và nhiều khả năng đó cũng là tương lai gần của Xuân Trường - người chưa được CLB Gangwon cho ra sân một phút nào. 

Đào tạo ra nhiều cầu thủ kỹ thuật, thế nhưng các lứa học viên của HAGL vẫn không cải thiện được điểm yếu cốt tử của cầu thủ Việt, đó là hạn chế về thể lực và chiều cao. Thậm chí ở V-League, số cầu thủ này cũng phải vật lộn mới có thể giúp HAGL trụ hạng. Đã có thời điểm, “bầu” Đức gieo kỳ vọng với phát biểu những lứa sau còn hay hơn lứa Công Phượng rất nhiều. Song khi khóa 2, 3 của Học viện HAGL Arsenal JMG trình làng tại giải U19 Quốc tế 2017 và dễ dàng để thua các đối thủ, tất cả chỉ còn lại tiếng thở dài. 

10 năm hợp tác, mối quan hệ HAGL-Arsenal ít nhiều để lại dấu ấn song có thể nói, nó không đáp ứng đúng kỳ vọng của mỗi bên. Và việc Arsenal quyết định chấm dứt hợp đồng để tìm kiếm cơ hội ở thị trường khác là điều dễ hiểu. Cuộc chia tay giúp HAGL rút ra nhiều bài học trước khi vạch ra những kế hoạch hợp tác mới trong tương lai và cũng khiến làng bóng Việt nhìn lại công tác đào tạo trẻ. Bởi cách đây ít năm, thời điểm lứa học viên khóa 1 của HAGL Arsenal JMG nổi đình nổi đám, xuất hiện một loạt đội bóng “học theo” “bầu” Đức mở các lò đào tạo trẻ liên kết với một số đội bóng tên tuổi. 

Mới nhất là hợp tác giữa  CLB TP.HCM và CLB Lyon (Pháp) ngày 27-6 vừa qua. Làm thế nào để sự hợp tác đạt hiệu quả, không sa đà vào những tham vọng viển vông và không “ném tiền qua cửa sổ”… là những vấn đề cần tính toán với HAGL và cả những đội bóng từng coi “mối tình” vừa chấm dứt kia là kim chỉ nam cho mình.