Hạ viện giải tán, chính trường Thái như "bom nổ chậm"

ANTĐ - Cuối buổi chiều 9-12, sau khi Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán Hạ viện, Nhà Vua Bhumibol Adulyadej đã chính thức phê chuẩn quyết định giải tán Hạ viện và tổ chức cuộc bầu cử mới vào ngày 2-2-2014 theo đề xuất của chính phủ. Thế nhưng, chính trường Thái Lan vẫn như một quả bom nổ chậm.

Phát ngôn viên chính phủ Teerat Ratanasevi cho biết, ngày bầu cử này đã được đưa ra trong một cuộc họp Nội các tại thủ đô Bangkok trong buổi chiều cùng ngày.

Tuy nhiên, bất chấp việc Thủ tướng Yingluck cố gắng giải tỏa căng thẳng bằng tuyên bố trên. Các nhà lãnh đạo biểu tình cho rằng giải tán quốc hội là không đủ và yêu cầu chính phủ từ chức và thành lập một “hội đồng nhân dân” để tìm ra một thủ tướng và nội các không qua bầu cử.

Sau khi Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán quốc hội, theo luật pháp Thái Lan, trong vòng 45-60 ngày phải tổ chức bầu cử lại. Theo phát ngôn viên của chính phủ Thái Lan, cuộc tổng tuyến cử toàn quốc sẽ bắt đầu vào ngày 2-2-2014. Các nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ đối lập từ chức trước đó có thể lại tham gia tranh cử. 

Lãnh đạo đảng Vì nước Thái Charupong Ruangsuwan cho biết, trong 2 ngày tới, Đảng này sẽ đưa ra sách lược bầu cử mới và bà Yingluck sẽ tái tranh cử. Theo ông Charupong Ruangsuwan, hôm qua các chính đảng liên minh đã khẳng định tiếp tục sát cánh cùng đảng Vì nước Thái. 

Hạ viện giải tán, chính trường Thái như "bom nổ chậm" ảnh 1

Những người biểu tình kéo đến đông nghẹt khắp các tuyến phố quanh tòa nhà Chính phủ


Trong khi đó, người phát ngôn quân đội cam kết quân đội sẽ duy trì an toàn, trật tự và kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa bình để giải quyết khủng hoảng chính trị. Người phát ngôn ghi nhận căng thẳng đã dịu bớt, sau khi Hạ viện giải tán và kỳ vọng tình hình sẽ tiếp tục được cải thiện. 

Tuy nhiên, chính trường Thái Lan vẫn tiếp tục chìm sâu vào bế tắc bất chấp việc Thủ tướng Yingluck Shinawatra giải tán Hạ viện. Tối 9-12, lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban tiếp tục ra thời hạn 24 giờ cho bà Yingluck và nội các từ chức. Theo ông Suthep, động thái giải tán quốc hội của bà Yingluck là một chiến lược chính trị để giành lại quyền lực trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Lãnh đạo biểu tình Suthep Thaugsuban muốn sự từ chức này để mở đường cho việc thành lập một “Hội đồng Nhân dân” không qua bầu cử. Ông cho rằng quá trình này có thể mất từ 8 đến 15 tháng. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi những người biểu tình tại tòa nhà Chính phủ tiếp tục hoạt động trong ba ngày nữa. 

Theo ước tính của cảnh sát có khoảng 160.000 người biểu tình đã đổ về bao vây tòa nhà chính phủ ở thủ đô Bangkok trong ngày 9-12, theo lời kêu gọi lật đổ chính phủ của cựu phó thủ tướng Suthep Thaugsuban, lãnh tụ lực lượng biểu tình.