Hà Tĩnh: Phát hiện nhiều hiện vật bằng đá có niên đại trên 4.000 năm

ANTĐ - Ông Lê Bá Hạnh, Phó giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, cơ quan này vừa phối hợp với Viện khảo cổ học Việt Nam và Trường đại học KHXH&NV- ĐHQG Hà Nội tiến hành khảo sát nghiên cứu một số di chỉ khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đã phát hiện nhiều công cụ bằng đá thời tiền sử thuộc hậu kỳ đá mới có niên đại cách đây trên 4000 năm.
Hà Tĩnh: Phát hiện nhiều hiện vật bằng đá có niên đại trên 4.000 năm ảnh 1
Nhiều hiện vật, công cụ bằng đá có niên đại trên 4000 năm vừa
được phát hiện tại Rú Nài, phường Đại Nài, Tp Hà Tĩnh



Trong quá trình khảo sát và nghiên cứu, cán bộ nghiên cứu đã phát hiện nhiều hiện vật được chế tác bằng chất liệu đá gốc bản địa, thuộc các loại hình công cụ đá khác nhau như: rìu, bôn, bàn mài, bàn nghiền, mảnh tước, hòn ghè…và các loại hình mảnh gốm có hoa văn thừng trên địa bàn các xã Thạch Đài, Thạch Vĩnh huyện Thạch Hà; các xã Đức Đồng, Đức Lạc, Đức Hòa, huyện Đức Thọ và phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh. 
Phần lớn các hiện vật được tìm thấy nằm phát lộ trên bề mặt các di chỉ khảo cổ học. Đặc biệt như tại di chỉ Rú Điệp, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, đã phát hiện nhiều bàn mài, chày nghiền và các mảnh gốm văn thừng nằm lẫn trong các mảnh vỏ sò điệp được phát lộ trên bề mặt di chỉ. 

Phát hiện các công cụ đá nằm phát lộ tại các di chỉ khảo cổ ở Hà Tĩnh

Các nhà khảo cổ học thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nhóm hiện vật trên thuộc hậu kỳ thời đại đá mới, có niên đại trên 4.000 năm và việc phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ học thời tiền sử trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói trên giúp các nhà nghiên cứu khảo cổ học khẳng định thêm về địa bàn phân bố các di chỉ khảo cổ học thuộc thời kỳ đá mới trên vùng đất Hà Tĩnh.
Ông Hạnh cho biết, trong thời gian tới cần phải xây dựng kế hoạch khảo sát khai quật khảo cổ học nhằm phục vụ cho công tác nghiên cứu và bảo tồn.