Hà Nội: Yêu cầu quản lý nghiêm, không để tái diễn tình trạng mất cắp cổ vật trong di tích

ANTD.VN -UBND TP Hà Nội vừa có công văn số 2352/UBND-KGVX  gửi các Sở, ban, ngành cùng UBND các quận, huyện thị xã, trong đó công văn yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về phân cấp quản lý, không để tái diễn và xảy ra tình trạng mất cắp cổ vật trong di tích cùng tình trạng xây dựng, phục dựng sửa chữa, tu bổ tôn tạo không phép, sai nguyên tắc trên đia bàn Thành phố.

Kiểm điểm trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm về quản lý di tích

 Hà Nội hiện là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước với  gần 6.000 di tích, trong đó 1 di tích được công nhận Di sản thế giới, 18 di tích Quốc gia đặc biệt, 50 di tích cách mạng kháng chiến, 1804 đình, 2007 chùa cùng hàng nghìn các loại hình di tích khác nhau.

Số lượng di tích lớn nhất cả nước cũng đặt ra công tác quản lý về di sản văn hóa trong đó không ít khó khăn và những bất cập tồn tại. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid bùng phát, nhiều địa phương đã để xảy ra tình trạng mất cắp di vật trong di tích- việc này báo chí và dư luận cũng đã phản ánh.

Trước thực trạng trên, nhằm thực hiện tốt công tác quản lý về bảo vệ, phòng, chống mất cắp di vật, hiện vật và ngăn chặn tình trạng xây dựng, phục dựng, tu bổ, tôn tạo không phép, trái phép tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP, UBND TP Hà Nội yêu cầu: Thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội.

Năm 2012, chùa Trăm Gian đã từng tu bổ sai nguyên tắc hai công trình là nhà Tổ và gác Khánh, sự việc khi đó đã gây "bão" dư luận

Giao Sở VHTT Hà Nội chỉ đạo sát sao, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản văn hóa theo nhiệm vụ được phân công, phân cấp; không để tái diễn và xảy ra hiện tượng mất cắp di vật, hiện vật và tình trạng xây dựng, phục dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép tại các di tích trên địa bàn Hà Nội.

Hằng năm xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức tập huấn công tác quản lý và phát huy giá trị di tích. Có hình thức động viên, khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích; đồng thời kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng trên.

UBND các quận, huyện, thị xã: chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố về quản lý nhà nước trong công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, tăng cường quản lý, rà soát, khắc phục, không để xảy ra tình trạng mất cắp di vật, hiện vật; xây dựng, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép; hướng dẫn các Ban quản lý di tích cơ sở, tiểu ban bảo vệ di tích xã, phường, thị trấn trong việc kiêm nhiệm, kiện toàn tổ chức quản lý, hoàn thiện phương án bảo vệ, tập huấn các quy định về an ninh, phòng chống cháy nổ, đảm bảo tốt công tác trông coi, bảo vệ, vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy tại các di tích.

Bên cạnh đó, chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp rà soát, kiểm kê, thống kê, vẽ sơ đồ bài trí di vật, hiện vật, bổ sung khắc phục hồ sơ còn hạn chế tại các di tích trên địa bàn quản lý, nhất là các di tích xếp hạng từ năm 2010 trở về trước, làm cơ sở cho công tác bảo vệ, bảo quản di vật, hiện vật đảm bảo tính khoa học.

Khi xảy ra tình trạng mất cắp di vật, hiện vật; xây dựng, phục dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép tại các di tích, UBND cấp huyện phải báo cáo ngay UBND Thành phố. Sau năm (05) ngày làm việc, địa phương nơi để xảy ra tình trạng mất cắp di vật, hiện vật; xây dựng, phục dựng, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép không báo cáo thì Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố.

Thanh tra các trường hợp tu bổ, tôn tạo di tích không phép, sai phép

Tại văn bản  2352/ UBND-KGVX do Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý ký cũng đã giao Sở Nội vụ, Ban Tôn giáo Thành phố: Phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tôn giáo, chức sắc tôn giáo, nhà tu hành đang trụ trì (hoặc trông nom) các cơ sở tôn giáo (chùa) là những di tích trong danh mục kiểm kê đã được UBND Thành phố phê duyệt thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và quy định pháp luật liên quan, không để xảy ra việc xây dựng không phép, sai phép; Đồng thời, tham mưu UBND thành phố xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tự ý xây dựng, phục dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép, tránh tình trạng đánh mất phong cách kiến trúc truyền thống, làm biến dạng kiểu thức, sắc thái tại các di tích (nếu có).

Trong thời gian giãn cách xã hội, chùa Bối Khê đã bị kẻ gian cạy cửa, lấy đi bức tượng Thích Ca sơ sinh, đây là lần thứ 3 bức tượng này bị  mất cắp, hai lần trước đều đã được tìm thấy

Phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội phổ biến kiến thức pháp luật về di sản văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp luật liên quan; đưa vào chương trình nghị sự thường niên tại các Học viện, Trường Trung cấp Phật học, Trường Hạ đóng trên địa bàn Thành phố, tránh lý do không hiểu biết (hoặc cố tình), dẫn đến tình trạng sai phạm trong việc xây dựng, phục dựng, tu bổ, tôn tạo tại các di tích (Chùa).

Thanh tra Thành phố phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với di tích xếp hạng cấp Quốc gia, cấp Quốc gia đặc biệt), và các đơn vị liên quan tổ chức thanh tra các trường hợp xây dựng, phục dựng, sửa chữa, tu bổ, tôn tạo không phép, sai phép tại các di tích, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng trên tại các di tích trên địa bàn quận, huyện, thị xã (chủ trì thanh tra đối với di tích xếp hạng cấp Thành phô, di tích chưa xếp hạng nhưng nằm trong danh mục kiếm kê đã được UBND Thành phố phê duyệt).

Công an Thành phố Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ, Cơ quan cảnh sát điều tra các quận, huyện, thị xã phối hợp điều tra, trấn áp, khắc phục, không để xảy ra và tái diễn tình trạng mất cắp di vật, hiện vật tại các di tích trên địa bàn quản lý.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao kiểm tra, bàn giao số liệu đạc họa bản đồ; đẩy nhanh tiến độ Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức phục vụ việc khoanh vùng bảo vệ di tích trong quá trình xếp hạng, tránh tình trạng chồng chéo, chậm tiến độ, ảnh hưởng tiến độ, chất lượng công việc và kế hoạch.