Hà Nội xóa nói ngọng trong nhà trường: Kết quả không thể đến trong ngày một ngày hai

ANTD.VN - Từ năm 2010, Hà Nội đã có chương trình "Luyện phát âm, viết đúng chính tả hai phụ âm đầu l, n" cho một số huyện ngoại thành có giáo viên, học sinh nói ngọng. Tuy nhiên, theo nhiều đánh giá, việc xóa ngọng cần triển khai bài bản và phải có chuẩn chung cũng như không thể nôn nóng đòi hỏi hiệu quả ngay.

Xóa nói ngọng đã được ngành giáo dục Hà Nội đề cập cách đây nhiều năm nhưng sự việc thật sự nóng lên khi được đại biểu quốc hội đưa lên bàn nghị sự với khẳng định: “Nói ngọng ảnh hưởng đến uy tín cả nền giáo dục”.

Theo đại biểu này, hiện trong nhà trường khâu học nói hay bị bỏ qua, trong khi việc này phải làm ngay từ mẫu giáo tới phổ thông thì mới có thể sửa được những học sinh nói ngọng. 

Không tuyển giáo viên nói ngọng

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường phổ thông liên cấp Lê Quý Đôn, Hà Nội cho biết, trong quá trình tuyển dụng giáo viên cho nhà trường, ông cũng gặp không ít trường hợp ứng viên nói giọng địa phương không chuẩn, thậm chí nói ngọng l, n.

“Tôi cho rằng, việc nhầm lẫn phát âm l, n hoàn toàn có thể khắc phục nếu người nói có ý thức tự sửa. Vì vậy, đối với những trường hợp này, nhà trường để các thầy cô có thời gian tự sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, nếu qua thời hạn thử việc mà vẫn không khắc phục được thì Ban tuyển dụng nhà trường sẽ không ký hợp đồng chính thức” – ông Nguyễn Quốc Bình khẳng định.

Giáo viên nói ngọng làm sao thuyết phục được học sinh khi đứng lớp

“Giáo viên nói ngọng thì khi giảng bài sẽ khiến học sinh có ấn tượng không tốt về người thầy, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục.

Đặc biệt là với bậc mầm non, tiểu học. Các em càng nhỏ tuổi càng cần rèn đúng chuẩn cả về kiến thức, ngôn ngữ. Trước đây vấn đề chưa được quan tâm đúng mức, thậm chí còn có phần coi nhẹ khi cho rằng cấp học thấp thì chất lượng giáo viên không quan trọng bằng cấp học cao” – ông Bình nhấn mạnh.

Đồng tình với việc cần xóa nói ngọng trong nhà trường, ông Bình cho rằng đã là giáo viên thì không thể mắc lỗi phát âm khi giảng bài. Tuy nhiên, với thực tế giọng địa phương, vùng miền của giáo viên khắp mọi miền đất nước đều rất đa dạng, lại chưa có quy chuẩn nào về phát âm chuẩn trong nhà trường nên vấn đề nói ngọng vẫn chưa thực sự được chú trọng ở mức độ cần thiết với ngành giáo dục.

“Hà Nội đã quan tâm và có những chương trình thí điểm sửa lỗi phát âm cho học sinh, giáo viên nói ngọng l, n. Tuy nhiên, việc luyện phát âm, khắc phục lỗi nói ngọng không phải một sớm một chiều là làm được mà cần có quá trình.

Quan trọng nhất là cần có quy chuẩn và ý thức. Cả 2 việc đều phải tiến hành song song, lâu dài,  nghiêm túc. Tôi cho rằng vấn đề được xới lên trên diễn đàn Quốc hội là đúng và cần phải bắt tay làm thực sự” – ông Bình chia sẻ.

Không nên kỳ thị nói ngọng thì mới sửa được lỗi

Phân tích ở góc độ tâm lý, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, để sửa lỗi phát âm sai l, n thì hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng đầu tiên phải khắc phục vấn đề tâm lý. Với những người nói ngọng l, n cần có ý thức về cách phát âm sai của mình để chủ động sửa chữa, đặc biệt là giáo viên đứng lớp.

“Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý, tật nói ngọng thường hình thành từ thói quen ngôn ngữ, phát âm mang tính địa phương. Nếu có sự kỳ thị, thậm chí là miệt thị thì họ sẽ rất lúng tung, tự ti và càng dễ mắc lỗi phát âm. Thực tế, giáo viên nói ngọng là có nhưng không thể đưa ra khỏi ngành vì lỗi phát âm. Rõ ràng giáo viên nói ngọng là không chấp nhận bởi ngôn ngữ chuẩn thể hiện trình độ chuyên môn cũng như văn hóa của người thầy.

Tuy nhiên, việc sửa lỗi nói ngọng không thể thực hiện ngày một ngày hai là có kết quả. Tôi cho rằng, cần có thời gian và quan trọng nhất là có quy ước, chuẩn mực về ngôn ngữ để họ có ý thức học tập, sửa lỗi phát âm” – Ông Lâm chia sẻ.

Được biết, Sở GD-ĐT Hà Nội đã triển khai chương trình "Luyện phát âm, viết đúng chính tả hai phụ âm đầu l, n" từ năm 2010. Trong đó, ban giám hiệu có nhiệm vụ theo dõi sự tiến bộ của giáo viên nói chưa chuẩn. Giáo viên chủ nhiệm theo dõi quá trình sửa của học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Sở cũng đã có tài liệu hướng dẫn xây dựng dựa trên cơ sở lồng ghép bài tập đọc trong sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 5.

Năm học 2011-2012, Sở đưa chương trình này triển khai tại 13 huyện ngoại thành, xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, tiêu chí thi đua của nhà trường, giáo viên. Mỗi năm, Sở Giáo dục Hà Nội đều khảo sát, đánh giá kết quả. Kết quả chữa ngọng của giáo viên, học sinh tại 13 huyện giảm 2-10% mỗi năm.

Khi được hỏi về chương trình này, ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, chương trình luyện phát âm, viết đúng chính tả hai phụ âm đầu l, n vẫn đang được triển khai. Tuy nhiên hiệu quả đến đâu thì hiện Sở đang cho rà soát, thống kê lại, từ đó sẽ có định hướng cụ thể hơn trong thời gian tới.