Hà Nội xin cơ chế đặc thù xây 6 cầu vượt sông

ANTD.VN - Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế đặc thù đầu tư 4 dự án cầu vượt sông Hồng gồm: Cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu Vĩnh Tuy 2, công trình Trần Hưng Đạo và 2 cầu vượt sông Đuống gồm Giang Biên và cầu Đuống 2.

Chủ trương kêu gọi vốn PPP làm cầu qua sông Hồng là cần thiết

Việc Hà Nội xin cơ chế đặc thù của Thủ tướng Chính phủ để đầu tư 4 cầu vượt sông Hồng và 2 cầu vượt sông Đuống nhằm khép kín hệ thống vành đai, giảm ùn tắc giao thông, phát triển kinh tế - xã hội hai bên sông Hồng là cần thiết. Bởi, hiện các cầu qua sông Hồng của Hà Nội đã mãn tải, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra như Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Chương Dương… Bởi vậy, cần phải đầu tư xây dựng sớm những cầu vượt này để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn và trong vùng.

Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, việc bố trí nguồn vốn để xây dựng những cây cầu này gần như là bất khả thi thì Hà Nội trình xin chủ trương đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP để huy động nguồn vốn xã hội hóa cùng tham gia vào đầu tư hạ tầng giao thông, tôi tán thành với chủ trương của Hà Nội.

Việc xin cơ chế đặc thù của Hà Nội cũng rất nên được xem xét. Bởi Hà Nội là Thủ đô, cũng cần cơ chế đặc thù để triển khai các dự án, đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, cơ chế đặc thù song vẫn phải trong khuôn khổ quy định của pháp luật, vẫn phải đảm bảo được tính công khai, minh bạch trong việc đấu thầu, hạn chế tối đa trình trạng thất thoát hay một cơ chế kiểu xin - cho trong đấu thầu.

Rút kinh nghiệm từ các dự án BOT hạ tầng giao thông thời gian qua tồn tại quá nhiều bất cập, hầu hết nảy sinh từ việc chỉ định thầu không có sự công khai, minh bạch. Ngoài ra, các quỹ đất mà Hà Nội xin để “đổi” lấy hạ tầng nên có sự quy hoạch và phê duyệt quy hoạch trước để nâng cao giá trị của bất động sản.

Ông Nguyễn Văn Hùng (Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng)

Hà Nội sẽ cân nhắc lựa chọn, đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch

Hệ thống hạ tầng khung đối với thành phố Hà Nội hiện nay mới đang trong quá trình đầu tư phát triển theo quy hoạch và chưa hoàn chỉnh (đặc biệt là khu vực đô thị trung tâm), các tuyến đường vành đai chưa được đầu tư khép kín, hệ thống đường hướng tâm còn thiếu và chưa hình thành đồng bộ theo quy hoạch, các cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống cũng chưa đủ theo quy hoạch.

Trong khi đó, dự kiến tổng mức đầu tư vào hạ tầng riêng cho công trình PPP giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn thành phố Hà Nội cần 135.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được 20%. Vì vậy, việc kêu gọi vốn PPP đầu tư vào hạ tầng giao thông đô thị là chủ trương được thành phố lựa chọn. 

Tuy nhiên, thủ tục đầu tư theo đúng luật thông thường mất rất nhiều thời gian, trong khi tình trạng ùn tắc giao thông và phát triển phương tiện của Hà Nội ngày một nhanh và nghiêm trọng. Đầu năm 2017, tại cuộc họp giữa Thủ tướng Chính phủ với Hà Nội và TP.HCM, Hà Nội cũng đề xuất cơ chế đặc thù để triển khai các dự án hạ tầng nhằm tiến tới hạn chế ùn tắc giao thông và Thủ tướng cũng đã đồng ý với đề xuất này.

Liên quan đến lo ngại của người dân và giới chuyên gia về việc xin cơ chế đặc thù đầu tư có thể dẫn đến thiếu công khai, minh bạch, thậm chí là lợi ích nhóm, đồng chí Chủ tịch UBND TP đã nhận thức rất rõ về việc này. Hà Nội đề xuất Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư và có rất nhiều hình thức để lựa chọn, hình thức chỉ định thầu chỉ là một trong số các phương án Hà Nội sẽ cân nhắc lựa chọn, đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã có chỉ đạo xuyên suốt, bất kỳ nhà đầu tư nào muốn đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội thì phải đạt một số tiêu chí căn bản: có năng lực kinh nghiệm trong lĩnh vực quan tâm thực hiện; có đủ năng lực về tài chính; cam kết thực hiện về vốn; có ký quỹ để trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện chậm, không đáp ứng yêu cầu thì phải mất toàn bộ phần tiền ký quỹ này; phải đảm bảo chất lượng toàn bộ công trình đáp ứng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Riêng với đầu tư PPP, TP Hà Nội ưu tiên nhất là bỏ lãi vay, theo quy định điều này luật cho phép, Hà Nội sẽ cố gắng theo hướng ưu tiên lãi vay thấp nhất. Đơn vị nào có đủ năng lực, đủ nguồn lực tài chính Hà Nội rất sẵn lòng chào đón tham gia làm dự án, trong trường hợp có 3-4 nhà đầu tư có đầy đủ năng lực cùng mong muốn tham gia dự án thì Hà Nội sẽ cân nhắc, đưa ra bài toán để xem nhà đầu tư nào là tốt nhất, phù hợp nhất.  

Ông Phan Trường Thành (Thạc sĩ Quản lý đô thị, Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội)

Các cầu vượt sông Hồng và sông Đuống đều đã có trong quy hoạch

Theo quy hoạch, trên địa bàn Hà Nội sẽ có 18 cầu bắc qua sông Hồng và 8 cầu bắc qua sông Đuống. Do vậy, việc Hà Nội lên kế hoạch đầu tư trước một số cầu vượt qua sông Hồng, sông Đuống là cần thiết và đúng quy hoạch. 

Trong đó, cầu Thượng Cát và tuyến đường dẫn hai đầu cầu là tuyến đường cửa ngõ phía Tây - Bắc trên tuyến đường vành đai 3,5 - một trong những tuyến đường vành đai có tầm quan trọng trong mạng lưới giao thông thành phố Hà Nội trong tương lai. Sau khi xây dựng cải tạo nút giao thông này sẽ góp phần giảm tải lưu lượng giao thông cho tuyến đường vành đai 3 trong tương lai; tạo “trục lõi” để phát triển đô thị phía Tây thành phố.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Thượng Cát qua sông Hồng trên tuyến đường vành đai 3,5 thuộc TP Hà Nội nhằm nâng cao năng lực giao thông giữa khu vực phía Bắc và Nam sông Hồng; thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn khu vực, đặc biệt là cụm đô thị phía Bắc sông Hồng.

Khu vực phía Bắc và phía Nam sông Hồng là các khu vực phát triển đô thị với nhiều dự án đô thị mới, khu công nghiệp đã và đang triển khai ở huyện Đông Anh, Mê Linh, quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, huyện Đan Phượng, huyện Hoài Đức. Nhu cầu đi lại giữa hai bên sông Hồng là rất lớn.

Còn công trình Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng, hiện quận Hoàn Kiếm là một trong 4 quận nội thành của Hà Nội xưa, nơi có hồ Gươm cổ kính vốn được coi là trái tim của thủ đô. Trong những năm qua, hạ tầng giao thông của quận được đã được quy hoạch và xây dựng khá tốt.

Tuy nhiên, dưới áp lực gia tăng dân số và phát triển kinh tế, một bộ phận hạ tầng vốn có từ thời Pháp thuộc đã không thể đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là tại khu vực phố cổ. Giải pháp duy nhất để khắc phục tình trạng quá tải hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cũng như để bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ được xác định là giãn dân cơ học. Dự thảo đề án giãn dân phố cổ đang được UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất với quỹ nhà giãn dân thuộc khu đô thị mới Việt Hưng.

Do cự ly tương đối xa nơi ở cũ (khoảng 7 km), giao thông lại thường xuyên ùn tắc do phải qua cầu Chương Dương và cầu Long Biên nên tính tự giác của người dân chưa cao, dẫn tới tình trạng đề án giãn dân đã hơn 10 năm khởi động nhưng chưa thể thực hiện được. Để gỡ các nút thắt trên, việc đầu tư một công trình vượt sông Hồng trong phạm vi 4 quận nội thành cũ là hết sức cần thiết. Trong đó, ý tưởng xây dựng công trình vượt sông tại vị trí đầu đường Trần Hưng Đạo nối sang phường Long Biên thuộc quận Long Biên tỏ ra khả thi nhất. 

Ông Đặng Hoàng Hiệp (Trưởng phòng thiết kế đường, Trung tâm tư vấn quốc tế, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải)

Nên xếp thứ tự ưu tiên đầu tư

Các dự án cầu vượt sông Hồng và sông Đuống sẽ buộc phải triển khai trong giai đoạn tới và giai đoạn tiếp theo. Thứ nhất bởi đã nằm trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thứ hai, một số cây cầu bắc qua sông Hồng đã mãn tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông và khó có thể đáp ứng tốc độ phát triển của đô thị trong giai đoạn tới.

Tôi cho rằng, ưu tiên số 1 trong các cây cầu bắc qua sông Hồng thời điểm tới là cầu Thường Cát. Hiện đường vành đai 3 đã quá tải, vào dịp cuối tuần hay nghỉ lễ, Tết là xảy ra ùn tắc. Ngay cả khi hoàn thiện mở rộng đường Phạm Văn Đồng dưới thấp và trên cao thì đường vành đai 3 vẫn quá tải, đường Phạm Văn Đồng mở rộng thực chất chỉ xử lý ùn tắc cho chính tuyến đường này.

Cầu Thượng Cát vượt qua sông Hồng sẽ khép kín tuyến đường vành đai 3,5 nối với đường 5 kéo dài, Bắc Thăng Long - Nội Bài. Khi hoàn thiện cây cầu này thì toàn bộ giao thông quá cảnh đang đi vào nội đô hiện nay sẽ được giải quyết theo tuyến vành đai 3,5. Toàn bộ lưu lượng giao thông từ phía Nam đi lên phía Bắc, đi phía Tây sẽ theo đường 3,5, giảm tải rất lớn cho vành đai 3.

Tiếp đến là cầu Vĩnh Tuy 2 hiện có điều kiện thuận lợi là không phải giải phóng mặt bằng, trong khi đó lưu lượng phương tiện cũng đã quá tải. Hơn nữa, hiện thành phố đã hoàn thành thông đường từ cầu Vĩnh Tuy về đến Ngã Tư Vọng, đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở đến năm 2020 theo kế hoạch cũng sẽ phải thông đường, nên chắc chắn phải mở rộng cầu Vĩnh Tuy, nếu không sẽ rơi vào tình trạng đến cầu thì nghẽn lại.

Bởi mặt cắt đường sau mở rộng là 50m, trong khi mặt cắt cầu chỉ 19,25m, sẽ trở thành một nút thắt trên tuyến này. Hiện thành phố đang xin cơ chế chuyển đổi hình thức đầu tư của dự án này, nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý là có thể triển khai ngay. 

Ông Phạm Hoàng Tuấn (Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội)

Mong có cầu từng ngày

Hiện nay người dân khu vực các huyện Mê Linh, Đông Anh… chúng tôi muốn qua sông để ra vào thành phố đều phải đi qua cầu Thăng Long hoặc cầu Nhật Tân. Nếu có cầu Thượng Cát, chúng tôi sẽ đỡ được rất nhiều phí và thời gian di chuyển. Từ khi công bố Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô thấy có cầu Thượng Cát, chúng tôi mong mỏi từng ngày, vì đi qua cầu Thăng Long thì xa mà người dân muốn di chuyển từ khu vực Mê Linh qua khu vực Thanh Trì, Long Biên thì phải đi vào khu vực nội đô, rất mất thời gian và thêm ùn tắc giao thông cho khu vực này. 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng lo ngại vì chưa hiểu giao thầu, chỉ định thầu là như thế nào. Theo quan niệm của tôi cái gì cũng phải đấu thầu, có cạnh tranh mới có kết quả tốt. Liệu việc giao thầu, chỉ định thầu có đảm bảo chất lượng công trình không hay chỉ chạy theo tiến độ mà để hình thành một công trình không đảm bảo an toàn, tốn kém, lãng phí? Hay việc nhận thầu rồi bỏ đó không thi công hoặc thi công rồi bỏ dở giữa chừng do nhà thầu thiếu vốn.

Tình trạng này đã từng diễn ra ở nhiều nơi khiến công trình hư hỏng còn người dân thì cứ mòn mỏi chờ đợi; thậm chí nhiều người dân khốn khổ vì sống trong những dự án “treo”.

Chúng tôi rất mong lãnh đạo thành phố và các cơ quan chức năng xem xét, cân nhắc tỉ mỉ từng vấn đề, làm sao để việc lựa chọn nhà thầu đảm bảo công khai, minh bạch; công trình làm được nhanh chóng nhưng vẫn có chất lượng, an toàn và bền vững. Đặc biệt việc lựa chọn nhà thầu, đơn vị thi công phải kỹ càng, chính xác, không để xảy ra trường hợp đánh trống bỏ dùi, dự án “treo” kéo dài rất lãng phí mà lại khổ người dân nằm trong vùng dự án.  

Ông Trần Văn Quang (Xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, TP Hà Nội)