Hà Nội: “Vùng đỏ”, “vùng da cam” nếu để sót người không được xét nghiệm thì Bí thư, Chủ tịch phải chịu trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Ngày 8-9, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19 Thành phố đã chủ trì giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy thành phố với Sở Chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã để triển khai thực hiện việc tăng tốc kiểm soát tình hình dịch bệnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và triển khai kế hoạch xét nghiệm, tiêm chủng vaccine Covid-19 diện rộng.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19 Thành phố Hà Nội chỉ đạo tại buổi giao ban

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19 Thành phố Hà Nội chỉ đạo tại buổi giao ban

Tại buổi giao ban, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, cùng với sự hỗ trợ về nhân lực của 11 tỉnh, thành phố, Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực để thần tốc xét nghiệm diện rộng toàn thành phố; đến ngày 15-9 tổ chức tiêm phòng mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trên cơ sở số vắc xin được Bộ Y tế phân bổ.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh truyền thông về tiêm vắc xin Covid-19 theo phương châm “vaccine sớm nhất là vaccine tốt nhất”…

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền thông tin thêm, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã báo cáo và được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý chủ trương, đối với vùng 1: vùng đỏ, vùng có nguy cơ rất cao, sẽ triển khai thực hiện "2 trong 1": vừa xét nghiệm diện rộng, vừa tiêm vaccine. Trung ương sẽ dành ưu tiên nguồn vaccine cho thành phố để tập trung triển khai xong mũi 1.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội lưu ý, chính quyền địa phương phải xây dựng kế hoạch, lập danh sách người dân, bảo đảm trật tự, khoảng cách, các yêu cầu phòng chống dịch trong quá trình thực hiện, không để lây nhiễm chéo trong quá trình xét nghiệm và tiêm chủng diện rộng.

Vì vậy, các đơn vị, địa phương xây dựng ngay kế hoạch và chủ động phối hợp thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho các đoàn công tác của các tỉnh, thành phố hỗ trợ xét nghiệm và tiêm chủng.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị Sở Y tế cập nhật bản đồ dịch tễ theo Bộ Y tế; hướng dẫn ngay cho các quận, huyện, thị xã để xác định phân vùng lấy mẫu xét nghiệm phù hợp, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.

Phó Chỉ huy trưởng Thường trực Sở chỉ huy công tác phòng, chống Covid-19 Thành phố Hà Nội chỉ đạo rõ: tại vùng 1 thực hiện lấy mẫu xét nghiệm xong là tiêm chủng vaccine luôn nên khâu tổ chức rất quan trọng, đòi hỏi thực sự bài bản, khoa học, đồng bộ, tránh tập trung đông người. Tiêm xong phải bảo đảm nhập dữ liệu ngay để đưa lên hệ thống dữ liệu quốc gia.

Để bảo đảm tiến độ 12-9 hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm, Phó Bí thư Thành ủy nêu rõ: “Lần này không phải lấy mẫu đại diện, nhất là tại các khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam” mà là lấy mẫu bắt buộc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cả thành phố chỉ cần sót vài trường hợp nhỏ lẻ có nguy cơ cao hoặc đang mang mầm bệnh thì công sức của cả thành phố sẽ đổ sông, đổ biển. Nếu ở địa bàn nào yêu cầu lấy mẫu 100% người dân mà để sót, xảy ra dịch bệnh thì Bí thư, Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm”.

“Tất cả các đơn vị, địa phương phải nỗ lực cố gắng cao nhất, không có ngày nghỉ, thậm chí lấy mẫu xét nghiệm cả vào buổi tối nhưng phải có tính kế hoạch và bảo đảm các điều kiện cần thiết, nhất là công tác phòng, chống dịch và sức khỏe cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.

Đồng thời căn cứ vào tình hình, cần linh hoạt trong điều động lực lượng tham gia lấy mẫu xét nghiệm. Cố gắng trong thời gian ngắn nhất hoàn thành các nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trên địa bàn thành phố”, Phó Bí thư Thành ủy lưu ý.

Để đến ngày 15-9 thành phố hoàn thành việc tiêm phòng vaccine mũi 1 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Bộ Y tế khẳng định cố gắng cao nhất để phân bổ cho thành phố đủ cơ số vaccine.

Vì vậy các đơn vị phải nắm chắc danh sách số liệu cụ thể đến từng thôn, tổ dân phố; bố trí dây chuyền tiêm cho phù hợp; tính toán phương án tiêm buổi tối; bố trí cơ sở vật chất cho công tác tiêm chủng bảo đảm không tập trung đông người. Bên cạnh đó, để thực hiện công tác nhập dữ liệu, các địa phương cần tăng cường nhân lực để rút ngắn thời gian nhập dữ liệu.

Các quận có tiến độ tiêm chủng chậm như Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, cần vận động người dân đi tiêm vaccine ngay từ hôm nay.

Nhấn mạnh việc cần nỗ lực hoàn thành 2 nhiệm vụ rất quan trọng trên, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: “Đây là một công việc hệ trọng, rất quan trọng, trong thời gian ngắn, khối lượng công việc nhiều, vì vậy đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở, cùng với sự đồng lòng, ủng hộ của người dân thì chiến dịch mới thành công”.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần tập trung tuyên truyền trách nhiệm, quyền lợi của người dân trong việc lấy mẫu để tầm soát dịch bệnh trên địa bàn thành phố, nhất là tại “vùng đỏ” và “vùng cam”…

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng đặc biệt nhấn mạnh, việc phân vùng là để chống dịch nên các huyện thuộc vùng xanh cần cân nhắc khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh đi đôi với chống dịch; Không được để người dân Thủ đô thiếu đói, không được nhận hỗ trợ; Cần đặc biệt quan tâm đến người ở trọ, lao động nhập cư, người bị mắc kẹt ở Hà Nội, phải cấp giấy đi chợ cho những trường hợp này...