Hà Nội vào “mùa” đau mắt đỏ

ANTĐ - Thông thường vào tháng 7, tháng 8 hàng năm, khi thời tiết ở phía Bắc bắt đầu xuất hiện nhiều trận mưa thì dịch đau mắt đỏ lại bùng phát mạnh và lây lan rộng. Đến thời điểm này, bệnh chưa bùng phát thành dịch nhưng số bệnh nhân đang bắt đầu tăng nhanh, đặc biệt ở trẻ em.

Bệnh nhân cần đến khám để được chỉ định dùng đúng thuốc


Lây lan mạnh trong trường học

BV Mắt Trung ương những ngày gần đây, số bệnh nhân vào khám đau mắt đỏ tăng cao trung bình 100-150 ca mỗi ngày, trẻ em chiếm đa số. Tại khoa Khám bệnh ngoại trú, chị Nguyễn Thị Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) đưa con gái Phạm Thị Trang, 21 tháng tuổi đi khám vì 2 mắt cháu đỏ hoe, ngứa ngáy. Trước đó mới chục ngày, chị cũng đưa cô con gái lớn 5 tuổi lên khám tại đây vì bị đau mắt đỏ, nguyên nhân theo chị có thể do lây ở lớp mẫu giáo. Chị Hương kể, sau khi con gái lớn được bác sĩ chẩn đoán đau mắt đỏ, chị đã cố gắng nhỏ thuốc cho cháu theo đúng chỉ định và thực hiện vệ sinh cẩn thận để tránh lây nhiễm ra các thành viên khác trong gia đình, thế nhưng cuối cùng vẫn lây sang em gái.

Bác sĩ Lê Thị Ngọc Lan, khám bệnh ở phòng khám 104 khoa Khám bệnh ngoại trú - BV  Mắt Trung ương cho biết, so với cùng thời điểm này năm trước thì dịch đau mắt đỏ năm nay đến muộn hơn, số ca mắc tăng chậm hơn nhưng lại rải rác quanh năm, với mọi lứa tuổi. Trong tuần qua, có không ít trẻ em vào khám do lây bệnh từ trường học như học sinh của trường Mầm non Đền Lừ, trường Tiểu học Phương Mai… Phụ huynh của các bệnh nhi này cho biết, do bệnh đau mắt đỏ lây lan nên nhiều học sinh trong trường phải nghỉ học, thậm chí có những em bị đau mắt đỏ đã chữa khỏi nhưng ngay tuần sau, khi đi học thì đã bị tái nhiễm, điều trị khó khăn hơn.

TS.BS Phạm Ngọc Đông, Trưởng khoa Kết - giác mạc - BV Mắt Trung ương cho biết, đỉnh dịch đau mắt đỏ có thể rơi vào giữa tháng 8 (tháng 7 âm lịch) khi mưa kéo dài, thời tiết ẩm thấp. 


Mối nguy từ điều trị bừa bãi 

Theo bác sĩ Đông, hầu hết bệnh nhân đau mắt đỏ đến viện khám ngoại trú, gần như 100% điều trị tại nhà nên việc thống kê lượng bệnh nhân tăng hay giảm cũng như việc khống chế dịch lây lan rất khó, chủ yếu phụ thuộc vào ý thức và kiến thức của mỗi người. Tuy nhiên trên thực tế, ngay cả ở thành thị, rất nhiều người cũng không có kiến thức về bệnh này, điều trị cho con bằng các mẹo dân gian hoặc tự ý mua các loại thuốc nhỏ mắt trên thị trường để điều trị, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Đã có những bà mẹ đưa con đến khám trong tình trạng đau mắt đỏ đã bội nhiễm, đã thành viêm kết giác mạc, thậm chí bị bỏng giác mạc, phù nề mi do trước đó đã chữa bằng các phương pháp xông nước nóng, xông nước lá trầu không…

Các bác sĩ cho rằng, việc điều trị kháng sinh chỉ có tác dụng dự phòng các bội nhiễm khác chứ không có tác dụng chấm dứt việc đau mắt đỏ. Nhiều trường hợp đau mắt đỏ không điều trị cũng có thể tự khỏi nếu biết cách vệ sinh tốt. Tuy nhiên, nếu không điều trị thì có thể gây nhiều biến chứng như viêm biểu mô giác mạc, giảm thị lực, viêm nhiễm kéo dài, điều trị dai dẳng, thậm chí có người phải điều trị tới 6 tháng mới khỏi hoàn toàn trong khi bình thường bệnh này chỉ 10 - 15 ngày là khỏi.

Bác sĩ Lê Thị Ngọc Lan cảnh báo, người bệnh bị đau mắt đỏ, kể cả trẻ em lẫn người lớn nên đi khám để được chỉ định đúng thuốc, hạn chế các sai lầm khi tự điều trị bởi nếu dùng các thuốc kháng sinh, corticoid nhiều sẽ làm suy giảm miễn dịch, sức đề kháng kém đi nên điều trị lâu hơn. Đặc biệt, nhiều loại thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid, nếu sử dụng bừa bãi có thể gây mù mắt, hoặc làm bệnh nặng hơn, tiến triển thành viêm kết giác mạc, điều trị tốn kém hơn 10 lần so với chữa đau mắt đỏ thông thường.

Bệnh đau mắt đỏ, trẻ em và người lớn đều có thể bị, nhưng trẻ em do không phòng ngừa vệ sinh tốt, hay lê la, chơi với bạn bè ở trường lớp nên dễ lây, dễ mắc hơn. Bệnh đau mắt đỏ lây do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh, qua tay, lây qua những vật dụng hàng ngày như khăn rửa mặt, đồ chơi, bát ăn, cốc uống…,  không lây qua đường hô hấp. Tuy nhiên, điều nguy hiểm là bệnh có thể lây ngay từ giai đoạn ủ bệnh, nghĩa là giai đoạn bệnh nhân bị nhiễm virus nhưng chưa có triệu chứng, chưa phát triển thành bệnh, do đó người bệnh không biết để chủ động phòng ngừa lây lan cho người khác trong gia đình và cộng đồng.