Hà Nội và những vòng tay nối dài phòng chống, khắc phục hậu quả khốc liệt của cơn bão số 3

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vừa ứng phó với cơn bão số 3 và sau khi bão tan, lực lượng Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng quân đội, các ngành đoàn thể, chính quyền cơ sở và lực lượng ham gia bảo vệ an ninh trật tự tự cơ sở tiếp tục hành trình mới là tập trung dọn dẹp vệ sinh, xử lý cây gẫy, đổ trên khắp các cung đường, ngõ phố để sớm “hồi sinh” lại màu xanh của Thủ đô... 

Gác tình riêng, vì nghĩa lớn

Tranh thủ ngơi tay nghỉ trưa chốc lát, nghe điện thoại của người thân,Trung uý Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, CAQ Ba Đình, Hà Nội, khuôn mặt vẫn chất chứa ưu tư nghĩ về gia đình. Quê Trung uý Nguyễn Văn Tuấn không xa, ở ngay xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, cách nội thành Hà Nội chỉ khoảng 30km, nhưng nước ngập rất sâu, quá nửa tầng 1 của nhà dân, do nằm cạnh sông Cà Lồ. Nửa xã nằm trong vùng thấp nên gần như cả xã ngập trong biển nước lũ. Toàn bộ đầm cá và hoa màu của gia đình Trung uý Tuấn đều bị ngập, mất trắng vì nước lũ, nhưng bản thân anh đến thời điểm này vẫn chưa thể về nhà giúp đỡ gia đình mình.

Nhìn ruộng vườn của nhà ngập trắng trời qua video trong điện thoại, nhưng Trung uý Tuấn và đồng đội phải trực chiến với bão lũ ở đơn vị 10 ngày nay, chưa về được nhà, khiến người lính cứu hoả không khỏi thấp thỏm lo âu.

Nụ cười lạc quan của các chiến sỹ CAQ Ba Đình sau khi dọn cây đổ vào lúc 4h sáng trên địa bàn

Nụ cười lạc quan của các chiến sỹ CAQ Ba Đình sau khi dọn cây đổ vào lúc 4h sáng trên địa bàn

“Tâm lý ai cũng nóng lòng muốn về nhà giúp đỡ gia đình, nhưng đã là mệnh lệnh thì người chiến sỹ công an phải quyết tâm làm tròn. Trực 100% theo lệnh của CATP và CAQ, tâm thế của mình khi đã lựa chọn làm người lính Công an nhân dân thì tâm thế phải luôn vững vàng, đi bất cứ đâu và làm bất cứ việc gì cấp trên giao”, Trung uý Tuấn chia sẻ.

Ba Đình là một trong những quận có số lượng cây gẫy, đổ sau bão nhiều nhất của Hà Nội. Thời gian trực chiến cơn bão số 3 (bão Yagi) là kỷ niệm mãi không quên trong lòng mỗi cán bộ chiến sỹ Công an quận Ba Đình nói riêng, Công an thành phố Hà Nội nói chung. Xuyên suốt từ lúc bão ập về tới khi bão đi qua, những người lính Công an Thủ đô luôn căng mình làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ này vừa xong, các anh lại được điều động đi thực hiện nhiệm vụ khác, nên hầu hết thời gian 24 giờ trong ngày các cán bộ chiến sỹ đều... bám mặt đường. Những tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng như cây đổ, gẫy liên tục, mái tôn bay vì gió to và nhất là thời điểm tâm bão quét qua địa bàn, các chiến sỹ Công an Hà Nội vẫn sát cánh với các lực lượng liên quan ứng trực ngoài đường để giúp dân di chuyển, dọn dẹp cây gẫy, đổ, hay thu dọn đồ vật bị cơn bão quét tan hoang...

Cảm xúc khi bão tan

Bão tan là một cảm xúc không bao giờ quên đối với mỗi người lính Công an Thủ đô. Hưởng ứng phát động toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, tập trung xử lý, khắc phục hậu quả sau bão để đảm bảo an toàn giao thông và trả lại cảnh quan môi trường, bắt đầu từ tối 14-9, toàn bộ CBCS - CATP Hà Nội đã xuống đường, cùng các cơ quan chức năng, người dân cùng nhau dọn dẹp tại khu dân cư, tổ dân phố, thu dọn cây xanh gãy đổ, khơi thông cống rãnh, kênh mương, thu gom rác thải và phun khử trùng phòng chống dịch bệnh, với quyết tâm dọn sạch những tàn tích của cơn bão lịch sử.

Dọn dẹp cây đổ sau bão là một cảm xúc khó quên đối với mỗi người lính

Dọn dẹp cây đổ sau bão là một cảm xúc khó quên đối với mỗi người lính

Theo Đại tá Nguyễn Tiến Đạt, Trưởng Phòng Tham mưu CATP Hà Nội, ngay sau khi cơn bão số 3 quét qua thành phố, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP đã chỉ đạo toàn lực lượng Công an Thủ đô tập trung thực hiện công tác phối hợp dọn dẹp môi trường sau bão, để người dân thuận tiện đi lại và quan trọng là để mọi người dân yên tâm hơn vì luôn có lực lượng Công an đồng hành, chia sẻ trong thiên tai bão lũ.

Tuy nhiên, do nhiệm vụ còn nhiều, đồng chí Giám đốc CATP đã xin ý kiến và đề xuất lãnh đạo Bộ chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động phối hợp với Công an Hà Nội và các ban, ngành, đoàn thể địa phương tập trung dọn dẹp môi trường Thủ đô vào các đêm 14 và 15/9, trước mắt là hai quận Ba Đình và Hai Bà Trưng, là những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất khi cơn bão quét qua. Lý do triển khai nhiệm vụ buổi đêm bởi không được để ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của nhân dân...

Nhắc đến 2 ngày cuối tuần vừa qua, đối với Trung tá Lưu Văn Khánh, Đội phó Đội Cảnh sát PCCC và CNCH, CAQ Ba Đình là một cảm xúc khó tả bằng lời. Gần 48 tiếng, các cán bộ chiến sỹ Công an các đơn vị đi làm 100%. Nhiệm vụ vất vả nhưng ai cũng thấy vui vẻ, tự hào. Vẫn là cưa cây, dọn dẹp... nhưng thực hiện nhiệm vụ dọn dẹp môi trường sau bão là công việc quan trọng. Khi cơn bão đến là tâm trạng bất an, bồn chồn, lo lắng cho người dân và sự an toàn của bản thân, gia đình. Còn sau bão là tâm trạng vượt qua khó khăn, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ trả lại màu xanh và sự bình yên của Thủ đô.

“Hai ngày dọn dẹp môi trường vừa qua đối với tôi là niềm tự hào và rất vui. Dù đã khá mệt sau những ngày chống bão, nhưng chúng tôi thực hiện nhiệm vụ này với quyết tâm đoàn kết cùng chung tay dọn dẹp lại cảnh quan cho Thủ đô”, Trung tá Lưu Văn Khánh nói.

Lúc dân khó, có Công an

Chia sẻ về quá trình dọn dẹp môi trường sau khi nước rút, Thượng tá Hoàng Hà Trung, Phó trưởng CAQ Ba Đình cho biết trên địa bàn có phường Phúc Xá bị ảnh hưởng nặng nề trong cơn bão. Để chủ động ứng phó với bão lũ và hỗ trợ nhân dân sau khi cơn bão đi qua, ngay khi có báo động mức 3 đóng cửa khẩu, Ban Chỉ huy CAQ Ba Đình đã xin ý kiến Ban Giám đốc CATP và Bí thư Quận ủy Ba Đình di chuyển 2/3 quân số và phương tiện của Đội Cảnh sát PCCC và CNCH của Công an quận ra khỏi trụ sở Đội ở phố Hồng Hà, về sân vận động Quần ngựa, đảm nhiệm công tác ứng trực xử lý các tình huống sau bão. 1/3 quân số còn lại ở tại đơn vị để phối hợp với Công an phường Phúc Xá, hỗ trợ bà con khắc phục sau cơn bão và dọn dẹp, vệ sinh cảnh quan môi trường trong 2 ngày cuối tuần (14 và 15/9), giúp hơn 1.000 người dân phường Phúc Xá phải di dời trong cơn bão, nhanh chóng quay trở lại cuộc sống bình thường sớm nhất.

Đến nay, 100% các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã được lực lượng Công an thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng và nhân dân tổng vệ sinh môi trường.

Công an quận Long Biên dọn dẹp vệ sinh môi trường tại phường Cự Khối

Công an quận Long Biên dọn dẹp vệ sinh môi trường tại phường Cự Khối

Nhưng vẫn còn đó những khó khăn khi các địa bàn ở ngoại thành Hà Nội như thị xã Sơn Tây, công tác dọn vệ sinh môi trường, dọn dẹp cây đổ vừ thực hiện xong thì tiếp tục hành trình ứng cứu nhân dân bởi cơn mưa lớn sáng sớm nay (16-9), khiến mực nước các sông dâng cao...

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Nguyễn Đức Thành, Phó Trưởng Công an thị xã Sơn Tây cho biết, đơn vị đã triển khai đến 100% Công an các phường - xã, các đội nghiệp vụ từ ngày 14-9 ra quân tổng vệ sinh toàn địa bàn, hỗ trợ bà con thu dọn, khắc phục hậu quả do bão số 3 để lại, đồng thời dọn dẹp đảm bảo vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, cơn mưa vào tối 15 và rạng sáng 16-9 đã làm úng ngập hầu hết các tuyến đường trên địa bàn thị xã. Mực nước sông Tích tăng cao lên khoảng 30-60cm và vẫn đang ở mức báo động 3. Bám sát chỉ đạo của Giám đốc CATP, Công an thị xã Sơn Tây đã triển khai toàn bộ 100% CBCS xuyên đêm 15 và rạng sáng 16-9 thực hiện sơ tán tài sản cho nhân dân. Đồng thời phối hợp lực lượng quân đội, Công an các phường, xã hỗ trợ các trường học vệ sinh môi trường...

Hơn 180ha lúa bị ngập nước lũ đã được lực lượng Công an thị xã Sơn Tây giúp người dân thu hoạch trong những ngày vừa qua

Hơn 180ha lúa bị ngập nước lũ đã được lực lượng Công an thị xã Sơn Tây giúp người dân thu hoạch trong những ngày vừa qua

“Hiện vẫn còn 4 phường, xã trên địa bàn thị xã người dân yêu cầu được ứng cứu. Do vậy, Ban chỉ huy CATX đã quán triệt toàn bộ CBCS sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu. Người dân cần là lực lượng công an có mặt để hỗ trợ”, Thượng tá Nguyễn Đức Thành chia sẻ.

Lực lượng tham gia Bảo vệ ANTT ở cơ sở phối hợp với Công an Thủ đô triển khai nhiệm vụ ứng phó cơn bão số 3

Lực lượng tham gia Bảo vệ ANTT ở cơ sở phối hợp với Công an Thủ đô triển khai nhiệm vụ ứng phó cơn bão số 3

Ứng phó với cơn bão số 3 không thể không nhắc đến một lực lượng đặc biệt quan trọng, đó là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Tiến Đạt - Trưởng phòng Tham mưu khẳng định: "Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn Hà Nội đã thể hiện trách nhiệm, vai trò là "cánh tay nối dài", hỗ trợ đắc lực cho Công an cơ sở trong mọi công tác ứng phó với bão lũ thiên tai, bảo vệ tài sản của người dân và khắc phục hậu quả sau bão... Có thể nói, đây là lực lượng hoạt động rất hiệu quả, góp phần đảm bảo ANTT địa bàn thành phố trước, trong và những ngày sau khi cơn bão số 3 đi qua; và mỗi đội viên đang tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với Công an các địa bàn thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao".

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở phối hợp với CATP Hà Nội dọn dẹp môi trường sau bão số 3

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở phối hợp với CATP Hà Nội dọn dẹp môi trường sau bão số 3

Cùng quan điểm với đồng chí Trưởng phòng Tham mưu, theo chỉ huy Công an thị xã Sơn Tây, kề vai, sát cánh cùng lực lượng Công an và Nhân dân những ngày qua phải kể đến sự tham gia nhiệt tình, không quản ngại gian khổ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Không quản ngại ngày đêm, bất chấp thời tiết, các đội viên luôn đồng hành cùng lực lượng Công an hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân di chuyển tài sản và đưa người dân đến khu vực an toàn trong và sau khi bão tan, được chính quyền các cấp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Sau cơn bão, khó khăn vẫn còn đó bởi những hệ lụy nặng nề. Nhưng, mỗi chiến sỹ Công an Thủ đô nói riêng, vẫn quyết tâm ngày đêm thực hiện nhiệm vụ, sẻ chia những mất mát, khó khăn của nhân dân, góp sức giúp mọi người, mọi gia đình bị ảnh hưởng do bão, sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh, và, đem lại màu xanh của Thủ đô bình yên.