Hà Nội trong mắt người ngụ cư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Người quê ra tỉnh” là chủ đề của một chương trình vừa được phát sóng trên VTV. Ở đó, rất nhiều khách mời tham dự đều là những người từ quê ra phố. Mỗi người có những bươn bả khác nhau để trụ lại Hà thành. Và dĩ nhiên, lý do để họ đến với Thủ đô cũng khác nhau. Sự khác nhau đó cũng là có tính phổ quát với những người quê ra phố.
Hà Nội mang một nét đẹp bình dị, mộc mạc và được hình thành từ chính quá trình lao động của những người dân ngụ cư - Ảnh: LAM THANH

Hà Nội mang một nét đẹp bình dị, mộc mạc và được hình thành từ chính quá trình lao động của những người dân ngụ cư - Ảnh: LAM THANH

Với thế hệ chúng tôi, rất nhiều người có mặt ở Hà Nội để học tập. Thời đó, đỗ đại học là một hành trình không hề đơn giản. Nếu cánh cửa đại học khép lại thì vẫn còn những cơ hội khác để học tập như trở thành sinh viên các trường cao đẳng hoặc các trường nghề. Một bộ phận khác người quê như chúng tôi thì ra phố để gia nhập đội quân tham gia xây dựng các công trình từ nhà cửa cho đến đường sá, hoặc trở thành công nhân ở các khu công nghiệp.

Trong chương trình mang chủ đề “Người quê ra tỉnh”, nhiều khách mời đã đưa đến những câu chuyện về những ngày bỡ ngỡ đặt chân đến Hà Nội. Nhà báo Nguyễn Quỳnh Hương thì ấn tượng với khách sạn Daewoo to đẹp và hào nhoáng, tôi thì bị choáng váng với mật độ và tốc độ di chuyển của thị thành. Những người quê bị ném vào một cuộc sống khác hơn nhiều với vùng quê bình dị nơi họ đã sinh ra.

Trụ lại ở thành phố đối với người quê cũng vì thế đầy gian nan và những cuộc đấu tranh. Đi hay ở, gắn bó hay trở về luôn là một câu hỏi nhiều trăn trở. Người Nghệ vẫn cứ bông đùa với nhau rằng: “Ai vô xứ Nghệ thì vô / Còn tôi, tôi vẫn Thủ đô tôi ngồi”.

“Hà Nội cũng như con người, cũng có cá tính và dung nạp trong nó nhiều cá tính của nhiều vùng miền, những người ngụ cư như tôi, nhiều năm vẫn bám trụ lấy Thủ đô, vẫn coi đó là một nơi không thể rời xa. Quê là để trở về, nhưng Hà Nội là nơi để gắn bó… nhưng gắn bó đến lúc nào ư, thật khó để trả lời”.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Thủ đô nơi ấy đô hội, Thủ đô nơi ấy ồn ào, nơi ấy có những bon chen và vội vã, nơi có những cuộc vận lộn để mưu sinh, nhưng Thủ đô nơi ấy vẫn chứa đựng trong mình những nơi sâu lắng, bình yên đủ để nương náu những người xa quê. Hà Nội trong mắt người ngụ cư mỗi người một vẻ. Có thể trong mắt của những công nhân ở các khu công nghiệp chỉ là những dãy nhà trọ có phần nhếch nhác, là những bữa ăn nấu vội để tăng ca. Hà Nội trong mắt của một người ngụ cư như tôi, từ một cậu sinh viên ra phố, ra trường rồi gắn bó và nương náu lại cũng có nhiều điều thú vị.

Gánh hàng rong, nét mộc mạc giữa Hà Nội phồn hoa

Gánh hàng rong, nét mộc mạc giữa Hà Nội phồn hoa

Cũng may mắn hơn, nghề nghiệp mà tôi được đào tạo là nghề báo. Tôi vào nghề từ sớm, khi vẫn còn là sinh viên đã là cộng tác viên quen thuộc của nhiều tờ báo. Nghề nghiệp đẩy đưa tôi đi nhiều nơi, khám phá nhiều nơi, tìm hiểu nhiều câu chuyện xung quanh Hà Nội. Tôi đã từng đạp xe đạp ngẩn ngơ đến phố Lò Đúc, đã từng ngồi uống nước trà và nghe những người lớn tuổi nói về nơi này của những ngày xưa. Thuở ấy, trên những vòm cây xanh Sao La ngợp màu lá, những cánh cò vẫn dập dìu bay về làm tổ.

Có những lúc đàn cò lên đến cả hàng vạn con, bay dập dìu trắng xóa cả vùng trời, tiếng kêu vang rộn khắp khu phố nhỏ. Cò đậu nhiều đến nỗi, oằn hết các cành cây, phân cò rắc xuống cũng nhuộm trắng cả đường. "Hà Nội khi đó phương tiện giao thông vẫn chủ yếu là xe đạp, rất nhiều người đi bộ, thế nên cứ mỗi lần đi ngang qua phố này, thể nào cũng dính phân cò... phố Lò Đúc, cũng được gọi là phố cò ỉa hay vương quốc cò lả từ đó" - ông Lê Đình Ước, một người dân cư ngụ ở Lò Đúc kể với tôi.

Hà Nội, ở đó có một nhà hàng nằm trên phố cổ. Trong những khách mời, ngoài tôi và một người khách cũng là người quê ra phố thì còn có một khách mời đã sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, anh đã từng nghĩ rằng mình hiểu nơi này, biết nơi này rõ và biết nhiều nhất là những hàng quán ở chốn này. Thế nhưng, ngày hôm đó anh phải thừa nhận rằng lần đầu tiên được ăn ở nhà hàng trong phố cổ ấy.

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Nhà báo Hồ Viết Thịnh

Một nhà hàng thật lạ, người giới thiệu với chúng tôi quán này bảo, ông chủ quán là một người Hà Nội, ông có một cá tính cũng chẳng giống ai. Chúng tôi được trải nghiệm điều đó không lâu. Khi nhân viên đưa cho chúng tôi thực đơn, một người khách toan gọi món thì bị nhân viên xua tay bảo: Em đưa để anh biết hôm nay có món gì, còn ăn gì là do chủ quán quy định, nếu không thích các anh có thể về. Bất ngờ nhưng cũng thử chờ xem sao.

Món ăn đưa lên, gắp bỏ vào miệng cũng thấy nhiều thú vị. Nói tinh tế cũng chẳng phải là độc đáo tinh tế lắm, nói ngon không tả xiết cũng chẳng đến mức thế, nhưng nghĩ tổng quan thì ăn cũng được. Ban đầu, tiếng nhạc phát ra trong quán là nhạc Trịnh, nghe cũng du dương sâu lắng, được một lúc lại thấy giọng Lệ Quyên vang lên, ừ thì cũng được. Nhưng không lâu sau đó, âm nhạc lại chuyển sang oang oang nhạc sàn. Một vị khách lại gọi nhân viên lên nhẹ nhàng góp ý. “Em ơi, có thể chọn nhạc nhỏ hơn được không?”. Nhân viên lại mỉm cười có tí cảm thông bảo: “Dạ, khách không được quyền chọn nhạc đâu ạ, chủ quán bật gì thì nghe nấy thôi anh”.

Chúng tôi dùng xong bữa đó và cũng nghĩ chẳng bao giờ quay lại để thưởng thức thêm lần nữa dù đồ ăn có ngon đến nhường nào. Nhưng người giới thiệu vẫn bảo, quán vẫn tồn tại ở đây hàng chục năm, ông chủ còn mua được biệt thự nhờ cửa hàng này. À, có lẽ những hàng ăn như thế không phù hợp với những khách ngụ cư, những nhà quê ra phố.

Hà Nội cũng như con người, cũng có cá tính và dung nạp trong nó nhiều cá tính của nhiều vùng miền, những người ngụ cư như tôi, nhiều năm vẫn bám trụ lấy Thủ đô, vẫn coi đó là một nơi không thể rời xa. Quê là để trở về, nhưng Hà Nội là nơi để gắn bó… nhưng gắn bó đến lúc nào ư, thật khó để trả lời.