Hà Nội: Triển khai nhiều mô hình thực phẩm sạch để chống “thực phẩm bẩn”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình điểm về phòng chống ngộ độc thực phẩm như: Quản lý an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, hướng dẫn quy trình giám sát an toàn thực phẩm và xử lý ngộ độc thực phẩm tại trường học, kiểm soát an toàn thực phẩm tại bữa cỗ tập trung đông người, xây dựng tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát…

Với số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm liên tục tăng vọt, từ 59.109 cơ sở vào năm 2016 lên 83.712 cơ sở vào năm 2020, Hà Nội là một trong 2 địa phương đứng đầu cả nước. Lẽ dĩ nhiên, với số lượng lớn lại tăng nhanh như vậy thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP) luôn hiện hữu và gia tăng theo.

Thế nhưng, nếu như năm 2017, Hà Nội chỉ có 6 quận, huyện, thị xã được chấm điểm đạt xuất sắc trong công tác ATTP thì đến năm 2019 đã tăng lên 11 đơn vị. Tình trạng ATVSTP ở Hà Nội những năm gần đây thực sự chuyển biến tích cực.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm trong mùa dịch Covid-19

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra an toàn thực phẩm trong mùa dịch Covid-19

Hiệu quả từ những mô hình hay, cách làm sáng tạo

Cách đây vài năm, tình trạng “thực phẩm bẩn” ở mức hết sức nghiêm trọng, là vấn đề nhức nhối, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Trước thực trạng đó, bước vào giai đoạn 2016-2020, cùng với việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, ngành y tế Thủ đô đã xây dựng và triển khai 2 chương trình, hoạt động để kiểm soát ATTP. Đó là tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm.

Đặc biệt, Hà Nội đã xây dựng và triển khai nhiều mô hình điểm về phòng chống ngộ độc thực phẩm như: Quản lý ATTP bếp ăn tập thể, hướng dẫn quy trình giám sát ATTP và xử lý ngộ độc thực phẩm tại trường học, kiểm soát ATTP tại bữa cỗ tập trung đông người, xây dựng tuyến phố ATTP có kiểm soát…

Nhìn lại kết quả triển khai công tác ATTP của Thủ đô 5 năm qua, có những con số đạt được rất ấn tượng. Toàn thành phố đã kiểm tra được 520.506 lượt cơ sở, xử phạt 31.065 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 134,8 tỷ đồng, trong đó khởi tố 12 vụ với 14 bị can về hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng...

Quan trọng hơn, với phương châm “xây” thực phẩm sạch để chống thực phẩm “bẩn”, bức tranh ATTP của thành phố đã chuyển biến tích cực. Hơn 2 năm trở lại đây, mô hình “Tuyến phố ATTP có kiểm soát” đã hình thành và ngày càng nhân rộng. Từ khi được gắn biển “Tuyến phố ATTP có kiểm soát”, diện mạo của những tuyến phố như Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy); phố Nguyễn Sơn, chợ ẩm thực Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên); phố Hàm Nghi (phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm)… thay đổi rõ rệt.

Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Đức Viên cho biết, dù mới triển khai từ 2018 song đến nay, quận đã xây dựng và duy trì 11 “Tuyến phố ATTP có kiểm soát”. Hay như Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội”, tính đến nay, Cầu Giấy đã cấp biển nhận diện cho 82/82 cơ sở kinh doanh trái cây, đạt tỷ lệ 100%…

Trong khi đó, Thanh Oai và Phú Xuyên là 2 huyện đầu tiên của Hà Nội triển khai thí điểm mô hình kiểm soát ATTP bữa cỗ đông người từ 2016, hiệu quả đến nay đã được chứng minh qua việc không ghi nhận vụ ngộ độc nào suốt 4 năm qua. Năm 2017, thành phố nhân rộng mô hình này tại quận Long Biên và huyện Quốc Oai. Đến năm 2019, tiếp tục nhân rộng ra 11 quận, huyện, thị xã.

Theo Chi cục ATVSTP Hà Nội, trong năm 2020, thành phố phấn đấu triển khai mô hình kiểm soát ATTP bữa cỗ tập trung đông người tại 240 xã, phường thuộc 20 quận, huyện, thị xã.

Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến một điểm sáng trong công tác đảm bảo ATTP của Hà Nội vài năm gần đây là quận Nam Từ Liêm. Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho biết, từ 2016 đến nay, quận đã triển khai được 14 trạm xét nghiệm nhanh ATTP tại các chợ, đồng thời triển khai Đề án xét nghiệm thực phẩm giai đoạn 2019-2020, tăng cường xét nghiệm chuyên sâu định lượng nhằm đánh giá chất lượng thực phẩm…

Mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” được triển khai tại phố Duy Tân, quận Cầu Giấy

Mô hình “Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát” được triển khai tại phố Duy Tân, quận Cầu Giấy

Vẫn còn nhiều nỗi lo

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, với điểm nhấn từ những mô hình hay, cách làm hiệu quả về đảm bảo ATTP của các quận, huyện, thị xã giai đoạn vừa qua đã góp phần đưa công tác kiểm soát ATTP trên địa bàn thành phố dần đi vào quỹ đạo, thực sự hướng đến mục tiêu “xây” thực phẩm sạch để chống thực phẩm “bẩn”.

Tuy vậy, với một địa bàn đông dân cư, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm rất lớn như Hà Nội, nguy cơ mất ATTP luôn hiện hữu hằng ngày, hằng giờ. Đấy là chưa kể bản thân công tác đảm bảo ATTP của thành phố vẫn còn rất nhiều khó khăn, rất nhiều nỗi lo.

Ông Nguyễn Khắc Hiền dẫn chứng: việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm không rõ nguồn gốc và bảo đảm ATTP thời gian qua có chuyển biến nhưng chưa chặt chẽ; việc xử lý vi phạm ở một số xã phường đã được đẩy mạnh song kết quả còn hạn chế; cán bộ làm công tác ATTP ở các tuyến còn thiếu so với khối lượng và yêu cầu công việc. Đặc biệt, ý thức, trách nhiệm chấp hành quy định pháp luật của người sản xuất kinh doanh và cả không ít người tiêu dùng thực phẩm cũng còn chưa cao.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền nhấn mạnh, để đảm bảo ATTP, điều quan trọng nhất là cần ý thức, trách nhiệm của cả 3 bên: Cơ quan quản lý, hộ kinh doanh, người tiêu dùng. Đồng thời, phải có sự hợp lực, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Đánh giá về công tác này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố nêu rõ, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nội dung hoạt động về ATTP và hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, được trung ương đánh giá cao.

“Ngay trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, dù gặp nhiều khó khăn nhưng công tác ATTP trên địa bàn Thủ đô vẫn tiếp tục được triển khai quyết liệt và hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Sửu nói.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đề nghị, phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” của thành phố trong 5 năm tới (giai đoạn 2021-2025) cần tiếp tục tập trung vào 7 nhiệm vụ chính.

Cụ thể, thi đua thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước của các ngành, các cấp thuộc thành phố; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường công tác truyền thông về ATTP; phát triển các vùng sản xuất, kết nối tiêu thụ các thực phẩm an toàn; kiểm soát thực phẩm đầu vào; nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về thực phẩm tiêu dùng cũng như thực phẩm xuất khẩu; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm an toàn.

Xử lý 2.050 cơ sở vi phạm

Cuối tuần qua, Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá một năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Báo cáo về công tác này, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ ngày 10-7-2019, Hà Nội mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn. Đến nay, sau hơn một năm triển khai, các đoàn thanh tra chuyên ngành của thành phố đã thanh tra được 8.119 cơ sở, qua đó phát hiện và xử lý 2.050 cơ sở vi phạm (chiếm 25,2%) với tổng số tiền phạt hơn 3,7 tỷ đồng.

So với kết quả kiểm tra cùng kỳ trước khi tiến hành thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP, tỷ lệ số cơ sở vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính tăng từ 3,3% lên 8,3%, đặc biệt với tuyến xã, phường. Riêng với các cơ sở đã thanh tra, nếu có vi phạm đều bị xử phạt hành chính.

“Kết quả này cho thấy, việc xử lý vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành ATTP cao hơn, mạnh hơn so với kiểm tra ATTP. Nhờ đó, thể hiện tính răn đe, sự nghiêm khắc trong quá trình thanh tra và xử lý vi phạm, góp phần tăng hiệu lực quản lý Nhà nước về ATTP của UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn, đồng thời giúp cho nhận thức về ATTP của người kinh doanh, chế biến thực phẩm được nâng lên rõ rệt”, ông Trần Văn Chung cho biết.