Hà Nội - TP.HCM: Cùng nhau sát cánh vì lợi ích chung của đất nước

ANTĐ - Sáng nay 17-3,  Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã phát biểu tham luận tại Hội thảo khoa học Thành phố Hồ Chí Minh - 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập. Báo An ninh Thủ đô trân trọng giới thiệu nội dung phát biểu tham luận này.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tham dự Hội thảo

Hôm nay, tôi rất vui mừng được tham dự hội thảo khoa học “Thành phố Hồ Chí Minh - 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập” - một hoạt động có ý nghĩa hết sức sâu sắc chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ trong nắng  tháng ba

Lời đầu tiên, thay mặt Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội tôi gửi đến các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, các nhà khoa học tham dự hội thảo lời chào trân trọng và lời chúc sức khỏe, hạnh phúc. Chúc hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp. Trước hết tôi bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao với những ý kiến tham luận của các đại biểu vừa trình bày.


Hà Nội - TP.HCM: Cùng nhau sát cánh vì lợi ích chung của đất nước ảnh 3
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cùng lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và Giáo sư Vũ Khiêu trao đổi bên lề Hội thảo

Suốt dặm dài lịch sử dân tộc

Hà Nội và Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) có vị trí đặc biệt quan trọng ở hai đầu Tổ quốc; tuy có lịch sử hình thành, phát triển, lối sống, sinh hoạt văn hóa với những sắc thái riêng, song đều cùng chung cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã minh chứng và khẳng định, Hà Nội - Sài Gòn luôn là trung tâm hội tụ, phát huy và lan tỏa các giá trị truyền thống, văn hóa của dân tộc Việt Nam, luôn có sự gắn kết máu thịt trong suốt quá trình dựng nước và đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Trong lịch sử dân tộc, Hà Nội luôn giữ vai trò là kinh đô lâu dài của nhiều triều đại, là trung tâm hội tụ và tỏa sáng, kết tinh các giá trị lịch sử - văn hóa của dân tộc, bất khuất trong đấu tranh giữ nước, là Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng của dân tộc Việt Nam. Từ thời cổ đại, Hà Nội nằm trong địa bàn trung tâm của cái nôi văn hóa Văn Lang - Âu Lạc (từ thế kỷ III TCN). Trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc, Hà Nội luôn giữ vai trò là trung tâm của các cuộc đấu tranh chống lại ách đô hộ, chống lại sự đồng hóa của giai cấp thống trị phương Bắc, giành lại chủ quyền dân tộc.

Trong lịch sử dân tộc, Hà Nội luôn giữ vai trò là kinh đô lâu dài của nhiều triều đại, là trung tâm hội tụ và tỏa sáng, kết tinh các giá trị lịch sử - văn hóa của dân tộc

Từ năm Canh Tuất 1010, Đức Thái tổ nhà Lý định đô ở Thăng Long  cho đến cuối thế kỷ XVIII, Thăng Long - Hà Nội là đế đô, là trung tâm về văn hiến của nền văn hóa Đại Việt. Thời kỳ nhà Tây Sơn, rồi sau đó là nhà Nguyễn, Hà Nội tuy không còn là kinh đô, nhưng vẫn là trung tâm văn hóa, kinh tế quan trọng của đất nước.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, Hà Nội là thủ phủ của Đông Dương (thuộc Pháp). Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Hà Nội được chọn làm Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa; đến năm 1976 trở thành Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Từ thời cổ đại, trên vùng đất Nam bộ với trình độ văn minh của nền văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, người dân nơi đây đã sớm xây dựng một nền văn minh mang tính thương mại phát triển. Đầu thế kỷ XVII trở đi, chúa Nguyễn cho khai phá vùng đồng bằng Nam bộ với quy mô lớn, lập ra chính quyền Đàng Trong và Sài Gòn phát triển thành một đô thị cảng sầm uất, một trung tâm kinh tế - văn hóa lớn.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, Sài Gòn nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Ngày 2 tháng 7 năm 1976Quốc hội nước Việt Nam quyết định đổi tên Sài Gòn thành “Thành phố Hồ Chí Minh”.

Nam bộ - Sài Gòn là tiền tuyến lớn - miền Bắc - Thủ đô Hà Nội là hậu phương lớn

Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, Nam bộ - Sài Gòn là tiền tuyến lớn, miền Bắc - Thủ đô Hà Nội là hậu phương lớn; tuy nhiệm vụ chiến lược khác nhau nhưng có mối quan hệ khăng khít với nhau, vì mục tiêu hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất nước nhà.

Là trung tâm của hậu phương lớn miền Bắc, Hà Nội luôn sát cánh cùng đồng bào Nam bộ - Sài Gòn, làm trọn nghĩa vụ thiêng liêng, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Người Hà Nội luôn hướng về miền Nam với hàng ngàn cuộc mít-tinh, biểu tình, tuần hành tố cáo tội ác tàn bạo của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, qua phong trào kết nghĩa Hà Nội - Huế - Sài Gòn, các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Ngày thứ Bảy đẩy mạnh sản xuất, đấu tranh thống nhất Tổ quốc”, “2 mũi tiến công thắng Mỹ”,... đã động viên các tầng lớp nhân dân Thủ đô phát huy tinh thần hăng hái, làm việc có chất lượng, năng suất cao vì đồng bào miền Nam ruột thịt, vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà.

Mặc dù là trọng điểm bị đế quốc Mỹ thường xuyên đánh phá, song Hà Nội luôn đảm bảo giao thông thông suốt, giữ vững đầu mối giao thông và hoạt động của các tổng trạm hàng hóa chi viện cho miền Nam; hàng năm cung cấp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, hàng trăm tấn thuốc và bông băng chi viện cho chiến trường,... Hàng vạn cán bộ, thanh niên Thủ đô hết lớp này đến lớp khác đã xung phong lên đường vào Nam đánh giặc với khẩu hiệu “Tất cả cho tuyền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Bất kể hoàn cảnh nào cũng quyết tâm hoàn thành mọi yêu cầu của miền Nam”,...

Thanh niên Thủ đô Hà Nội lên đường chi viện miền nam ruột thịt (ảnh tư liệu)

Chỉ tính từ năm 1965 đến năm 1975, Hà Nội đã động viên tuyển quân 29 đợt, với gần chục vạn người bổ sung cho các đơn vị bộ đội thường trực chiến đấu bảo vệ Thủ đô và chi viện cho các chiến trường; hơn 11.500 cán bộ, chiến sĩ những người con ưu tú của Hà Nội đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngay sau chiến tranh, miền Bắc và Thủ đô Hà Nội đã điều động khối lượng lớn nhân lực, vật lực góp phần tiếp quản, ổn định chính trị - xã hội vùng mới giải phóng, như: điều động 18.000 cán bộ con em miền Nam tập kết ra Bắc trở lại miền Nam, 23.000 cán bộ công nhân kỹ thuật vào Nam; cán bộ y tế Hà Nội được cử vào để chi viện cho ngành y tế miền Nam; cán bộ giảng viên các trường đại học như Đại học tổng hợp Hà Nội, Đại học sư phạm Hà Nội, Đại học ngoại ngữ Hà Nội, các cơ quan khoa học miền Bắc được cử vào Nam để xây dựng các ngành khoa học xã hội và nhân văn của các trường đại học ở miền Nam, trong đó có trường Đại học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh,...

Những chiến công, sự giúp đỡ chân tình và tình nghĩa keo sơn, gắn bó thủy chung giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được thử thách trong bom đạn, được bồi đắp trong những năm tháng khắc nghiệt ngay khi đất nước vừa thống nhất là những dấu ấn không thể phai mờ; là nền tảng, là điều kiện thuận lợi để hai thành phố vững bước trên con đường đổi mới, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hà Nội - TP.HCM: Cùng nhau sát cánh vì lợi ích chung của đất nước ảnh 6Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay

Với hướng đi đúng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm đầu của sự nghiệp đổi mới đã có nhiều nỗ lực để nhanh chóng vượt qua khủng hoảng, phát triển ổn định với tốc độ cao theo hướng bền vững; các thành phần, các ngành, các lĩnh vực kinh tế đều phát triển, trong đó ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có trình độ, chất lượng cao và sản phẩm mũi nhọn, luôn dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài và hội tụ nhiều yếu tố làm tiền đề thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Từ năm 1997 đến nay, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện và thu được một số kết quả đáng kể, nhất là trên các lĩnh vực: thương mại dịch vụ, nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục, y tế, phát triển văn hóa - xã hội, văn học nghệ thuật, giáo dục - đào tạo, báo chí - xuất bản,...  
Nhiều công trình như: xa lộ Hà Nội ở Thành phố Hồ Chí Minh, đại lộ Võ Văn Kiệt ở Hà Nội,... và những quà tặng có ý nghĩa sâu sắc như: tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn ở công viên Thống nhất, chiếc trống đồng chạm “Nhị thập bát tú” do Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tặng Hà Nội, Bia tiến sỹ của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô tặng Thành phố Hồ Chí Minh,... được cán bộ, nhân dân hai thành phố trân trọng đón nhận và gìn giữ như biểu tượng thiêng liêng của sự đoàn kết, gắn bó, tình cảm anh em giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Hà Nội - TP.HCM: Cùng nhau sát cánh vì lợi ích chung của đất nước ảnh 7Công viên Thống Nhất ở Hà Nội trong ngày vui khánh thành Tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn

Khẳng định vị thế là hai “đầu tàu kinh tế” của cả nước

Với vị thế là hai “đầu tàu kinh tế” của cả nước, những năm qua Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới, trước hết là trên lĩnh vực kinh tế, không chỉ đóng góp cho cả nước những bước phát triển quan trọng, khơi nguồn đổi mới tư duy lý luận, tư duy kinh tế mà còn đóng góp những bài học kinh nghiệm quý báu cho công cuộc xây dựng nền kinh thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 1/5 GDP của cả nước và 1/3 tổng thu ngân sách Nhà nước, có đội ngũ trí thức đông đảo, nguồn nhân lực quan trọng chất lượng cao. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế,... cũng đã đạt được những kết quả đáng mừng. An ninh - quốc phòng được bảo đảm có tác dụng tích cực tới các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội.
Hà Nội - TP.HCM: Cùng nhau sát cánh vì lợi ích chung của đất nước ảnh 8Thành phố Hồ Chí Minh đang đóng góp khoảng 1/5 GDP của cả nước

Hà Nội cũng có nhiều nét tương đồng so với Thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ định hướng phát triển Hà Nội là trung tâm, là đầu tàu kinh tế, giữ vai trò "xương sống" cho sự phát triển của cả vùng Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt từ 1-8-2008, Thủ đô được mở rộng địa giới hành chính đã tạo cho Hà Nội những điều kiện phát triển mới, xứng tầm với vị trí là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của đất nước, một đô thị hiện đại, năng động và hiệu quả.

Mấy năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn gay gắt do tác động của tình hình phức tạp trên thế giới, nhất là suy thoái kinh tế toàn cầu, diễn biến căng thẳng trên Biển Đông,... Thủ đô Hà Nội vẫn đạt nhiều thành tựu nổi bật, toàn diện, rất đáng tự hào.
Hà Nội - TP.HCM: Cùng nhau sát cánh vì lợi ích chung của đất nước ảnh 9Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có nhiều bài học kinh nghiệm quý để học hỏi nhau

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của Hà Nội đạt 9,5%, gấp 1,5 lần so với mức trung bình của cả nước, GDP chiếm 10%, thu ngân sách chiếm gần 20% cả nước; văn hoá - xã hội tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm; hệ thống chính trị được kiện toàn và có nhiều đổi mới theo hướng tập trung, kiên quyết, dứt điểm và hiệu quả; quốc phòng- an ninh được củng cố và tăng cường; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng cải thiện, là địa phương có chỉ số phát triển con người cao nhất cả nước, có quy mô lớn hàng đầu về giáo dục - đào tạo. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm lo các gia đình chính sách, những người có công luôn được chú trọng.

Vận dụng những bài học kinh nghiệm quý

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội đã vận dụng những bài học kinh nghiệm quý của Thành phố Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực như: cải cách hành chính, quy hoạch và quản lý đô thị, quy hoạch phát triển các trung tâm thương mại, khu đô thị tập trung, khắc phục ách tắc giao thông, xử lý ô nhiễm môi trường, quản lý khu công nghiệp và xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục, y tế, thể thao, giao thông,... để Hà Nội ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp, văn minh - hiện đại, xứng tầm là Thủ đô của một đất nước đang trên đà phát triển và hội nhập quốc tế.

Hai đô thị lớn nhất nước ngày càng sáng - xanh- sạch- đẹp

Để Hà Nội đạt mục tiêu về đích sớm 1 - 2 năm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần đưa đất nước trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; trong thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung mọi nguồn lực để đạt các chỉ tiêu đề ra, trong đó: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2016 - 2020 đạt khoảng 11 - 12%/năm và khoảng 9,5 - 10%/năm thời kỳ 2021 - 2030. GDP bình quân đầu người của Hà Nội đến năm 2020 đạt khoảng 7.100 - 7.500 USD và phấn đấu tăng lên 16.000 - 17.000 USD vào năm 2030; khuyến khích phát triển các dịch vụ: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chứng khoán, bưu chính - viễn thông, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo tư vấn, vận tải công cộng,...

Việc khai thác các tiềm năng, phát huy vị thế và lợi thế Thủ đô là trách nhiệm lớn của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội với mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, hợp tác của các tỉnh, thành bạn và nhân dân cả nước, đặc biệt là của Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ đô Hà Nội mong muốn đạt mục tiêu về đích sớm 1 - 2 năm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Tình nghĩa keo sơn, gắn bó thủy chung, mối quan hệ mang tính truyền thống đặc biệt giữa Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong đấu tranh cách mạng và trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng - phát triển đất nước chắc chắn sẽ giúp hai thành phố cùng nhau sát cánh để xây dựng, phát triển vì lợi của mình và vì lợi ích chung của đất nước.

Hội thảo khoa học “Thành phố Hồ Chí Minh - 40 năm xây dựng, phát triển và hội nhập” là một hoạt động có ý nghĩa hết sức sâu sắc chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các tham luận được trình bày tại hội thảo là những kinh nghiệm quý không chỉ cho Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là những bài học sâu sắc để giúp Hà Nội trong quá trình phát triển trong tương lai.

(Tựa đề và các tít phụ do Báo ANTĐ đặt)