Hà Nội tổ chức phố đi bộ: Dân phố cổ gửi xe ở đâu?

ANTĐ - Sở GT-VT Hà Nội vừa đề xuất tổ chức phố đi bộ vào 2 ngày cuối tuần trên hàng loạt tuyến phố nằm trong khu phố cổ. Thời gian dự kiến thực hiện bắt đầu từ 1-12-2011 tới đây. Do đó, mối quan tâm lớn nhất của hàng nghìn hộ dân phố cổ hiện nay là người dân sẽ đi lại thế nào, gửi xe ở đâu khi phố đi bộ chính thức hoạt động.

Đề án phố đi bộ nhận được sự ủng hộ của nhiều người dân

Theo tính toán của Sở GT-VT Hà Nội, sẽ có gần 7.000 hộ dân bị ảnh hưởng với các mức độ khác nhau khi thành phố tổ chức không gian đi bộ thuộc trục Hàng Đào - Đồng Xuân (Hàng Đào - Hàng Ngang - Hàng Đường - Đồng Xuân) và xung quanh hồ Hoàn Kiếm (Lê Lai - Lê Thạch - Lê Thái Tổ - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay - Tràng Tiền).

Cụ thể, có 925 hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp, tương ứng với 3.253 nhân khẩu. Ngoài ra, còn 5.890 hộ dân chịu ảnh hưởng gián tiếp, tương đương 29.549 nhân khẩu, thuộc 44 tuyến phố liên quan nằm trên địa bàn 10 phường (Đồng Xuân, Hàng Mã, Hàng Đào, Hàng Trống, Tràng Tiền, Hàng Gai, Hàng Buồm, Hàng Bạc, Lý Thái Tổ, Hàng Bồ). Tại khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp, điều tra cho biết, phương tiện của người dân chủ yếu là xe máy (chiếm 95% trên tổng số 1.529 phương tiện). Số xe ôtô (38 xe) của người dân khu vực này hiện đã gửi tại các bãi giữ xe nên không bị ảnh hưởng nhiều. Do đó, việc đầu tiên khi tổ chức phố đi bộ là phải tính toán bố trí các điểm gửi xe đủ đáp ứng cho người dân sống tại khu vực và khách tới tham quan, mua sắm để đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Phó Giám đốc Sở GT-VT Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Tân cho biết, trong không gian phố đi bộ, không cho phép kinh doanh dưới lòng đường nhưng sẽ cho phép xe điện được hoạt động phục vụ du khách. Ô tô thuộc các cơ quan có trụ sở tại khu vực này được cấp phù hiệu và để xe trong khu vực của cơ quan. Đối với xe công vụ, xe điện báo, xe đưa đón học sinh,… sẽ được xem xét cấp phù hiệu với điều kiện xe ô tô chỉ được chạy với vận tốc dưới 15km/h và theo hướng dẫn của người điều khiển giao thông. Các phương tiện vệ sinh môi trường, vận tải hàng hóa… sẽ được vào phố đi bộ từ 22h tới 6h sáng. Xe chở khách du lịch sẽ bố trí đón trả khách tại điểm đỗ xe Trần Quang Khải hoặc trước cửa Nhà hát Lớn thành phố. Sau đó, khách sẽ đi bộ hoặc di chuyển bằng xe điện. Riêng với các tuyến xe buýt có lộ trình đi qua khu vực hồ Hoàn Kiếm sẽ được điều chỉnh đi qua tuyến phố lân cận gần nhất khu phố đi bộ.

Đặc biệt, người dân trong khu vực trực tiếp triển khai tuyến phố đi bộ được cấp phù hiệu riêng để dắt xe vào nhà hoặc gửi xe tại các bãi xe do Sở GTVT và UBND quận Hoàn Kiếm bố trí. Khoảng cách từ nơi trông giữ xe tới nhà không xa quá 500m. Tổng diện tích bố trí 14 điểm đỗ xe khoảng 5.670 m2. Trong đó, có 5 điểm hiện có và 9 điểm đề xuất mới. Riêng diện tích dự phòng cho việc trông giữ xe đạp, xe máy có sức chứa trên 600 xe. Trường hợp đặc biệt trong các dịp lễ lớn, khi phương tiện tăng đột biến, sẽ tận dụng các tuyến phố lân cận để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu gửi xe. Khi đưa phương tiện (xe đạp, xe máy) ra khỏi phố đi bộ, người dân có thể gửi vào các bãi xe đến hết thời gian quy định mới được đưa phương tiện về hoặc dắt phương tiện vào nhà. Xe ô tô được gửi tại các bãi đỗ xe quy định (điểm trông giữ xe Phùng Hưng, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật…).

Vị trí 14 bãi gửi xe dự kiến phục vụ phố đi bộ thuộc các phố: Hàng Gai (50m); Hàng Đào (30m); Hàng Ngang (30m); Đồng Xuân (70m, cạnh phố Hàng Khoai); Điểm trông giữ cạnh điểm trung chuyển xe buýt (đối diện Trung tâm thương mại Bờ Hồ); Đinh Tiên Hoàng (30m, cạnh Công ty Vàng bạc đá quý); Hàng Dầu (30 đầu phố giáp Bờ Hồ); Trần Nguyên Hãn (50m, cạnh Điện lực Hà Nội); Lò Sũ (50m, đoạn Hàng Dầu - Đinh Tiên Hoàng); Lương Văn Can (30m); Lê Thái Tổ (đoạn trước Nhà hàng 4 mùa); Hàng Trống (100m, đầu phố giáp Lê Thái Tổ); Lê Lai; Lê Thạch.