Hà Nội tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin và hội nhập quốc tế trong giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một trong những hoạt động đem lại không khí mới đối với nền giáo dục Thủ đô chính là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới dạy học. Hà Nội còn là đơn vị đi đầu cả nước với đề án thí điểm đào tạo song bằng từ THCS đến THPT trong trường công.
Hà Nội khẳng định vai trò đi đầu trong cả nước trước mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao

Hà Nội khẳng định vai trò đi đầu trong cả nước trước mục tiêu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao

Giảm tải xếp hàng với hàng trăm nghìn lượt tuyển sinh đầu cấp

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 26-4-2016 về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”, ngành Giáo dục Thủ đô đã có nhiều hoạt động tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin trong việc dạy học, tuyển sinh.

Năm học 2020 - 2021 là năm thứ 5 Hà Nội áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6; lần thứ hai Hà Nội áp dụng hình thức xác nhận nhập học trực tuyến vào lớp 10, đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân Thủ đô, nhất là trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Để bảo đảm hệ thống vận hành ổn định, thông suốt, phục vụ tốt nhất cho người dân, trước ngày 30-6, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đồng thời đưa hệ thống mới HanoiEdu liên thông trực tiếp với ứng dụng SmartCity của thành phố, vào vận hành chính thức. “Hệ thống tuyển sinh trực tuyến rất thân thiện với người dùng; việc học sinh, cha mẹ học sinh nếu cần lấy lại mật khẩu khi để thất lạc không còn khó khăn như trước” - anh Nguyễn Văn Bá, phụ huynh học sinh trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) chia sẻ.

2017: Hà Nội đột phá với việc thực hiện chương trình song bằng tú tài THPT Việt Nam và tú tài Anh quốc - chứng chỉ A Level tại trường THPT Chu Văn An.

2018 - 2019: Hà Nội tiếp tục mở rộng mô hình song bằng tú tài tại 2 trường THPT và 7 trường THCS công lập trên địa bàn thành phố.

2016 - 2020: Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của Hà Nội luôn đạt thành tích xuất sắc.

77: Dự án giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập trường quốc tế.

338: Giải và huy chương trong các Kỳ thi Olympic quốc tế năm 2020.

70: Trường THPT có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%.

Đặc biệt, với ảnh hưởng từ dịch Covid-19 năm nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh đầu cấp của Hà Nội góp phần đáng kể trong việc hạn chế tập trung đông người, tránh lây lan dịch bệnh. “Năm nay thời gian các trường tuyển sinh lớp 10 cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát trở lại.

Việc xác nhận trực tuyến giúp cả nhà trường và phụ huynh thực hiện các công đoạn nhập học khá trôi chảy, tránh tình trạng tập trung xếp hàng đông người” - cô Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn là đơn vị tích cực chung tay cùng với cả nước tập trung phòng chống dịch Covid-19. Với chủ trương tạm dừng đến trường nhưng không dừng học, Hà Nội tiên phong trong việc triển khai dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình đáp ứng yêu cầu với tình hình thực tiễn của học sinh các cấp, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2019 - 2020. Để triển khai tốt phương thức học trực tuyến, Hà Nội đã liên tục nâng cấp, bổ sung kho học liệu điện tử, bài giảng E-learning trên cổng thông tin điện tử của ngành, đưa vào sử dụng nhiều phần mềm quản lý văn bản, sáng kiến kinh nghiệm, phần mềm hỗ trợ dạy học, quản lý học sinh…

Những cuộc thi về công nghệ thông tin được các trường ở Hà Nội triển khai thu hút học sinh tham gia Ảnh: LAM THANH

Những cuộc thi về công nghệ thông tin được các trường ở Hà Nội triển khai thu hút học sinh tham gia
Ảnh: LAM THANH

Ghi dấu ấn với hội nhập quốc tế

Đáp ứng nhu cầu đa dạng về mô hình giáo dục của người dân Thủ đô, việc đưa vào đào tạo chương trình song bằng tú tài trong trường công lập đã được Hà Nội thí điểm triển khai đầu tiên trên cả nước. Từ năm 2017, Hà Nội đột phá với việc thực hiện chương trình song bằng tú tài THPT Việt Nam và tú tài Anh quốc - chứng chỉ A Level tại trường THPT Chu Văn An.

Năm học 2018 - 2019, Hà Nội tiếp tục mở rộng mô hình này tại 2 trường THPT và 7 trường THCS công lập trên địa bàn thành phố. Mô hình đào tạo này giúp phụ huynh có thể đầu tư tiếng Anh cho con em mình ngay từ nhỏ với mức chi phí rẻ hơn nhiều so với đi du học. Đây cũng là bước khởi điểm để nâng cao trình độ ngoại ngữ của cả học sinh lẫn giáo viên Thủ đô, tăng cơ hội hội nhập quốc tế với chương trình đào tạo được quốc tế công nhận.

Đối với lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay Hà Nội có 77 dự án giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập trường quốc tế, cơ sở bồi dưỡng, góp phần thúc đẩy các yếu tố cạnh tranh nâng cao chất lượng giáo dục, cung cấp dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.

Hà Nội hiện đã trở thành sân chơi trí tuệ không chỉ cho học sinh trong nước mà cả học sinh quốc tế khi tổ chức thành công Kỳ thi Toán học Hà Nội mở rộng năm 2018, 2019 với sự tham gia của học sinh nhiều nước. Kỳ thi quốc tế Toán học và Khoa học dành cho học sinh dưới 13 tuổi năm 2019 thu hút sự tham gia của học sinh đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bứt phá về chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà

Nhờ những giải pháp đồng bộ, toàn diện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, giai đoạn 2016 - 2020, chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của Hà Nội luôn đạt thành tích xuất sắc. Hà Nội cũng là địa phương đạt kết quả toàn diện trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Trong 5 năm qua, Hà Nội liên tục là địa phương dẫn đầu cả nước về thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế. Năm 2020, học sinh THPT của Thủ đô đã giành được 338 giải và huy chương trong các Kỳ thi Olympic quốc tế, tăng gấp hơn 30 lần so với năm 2015. “Từ sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ, toàn diện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, những năm gần đây, chất lượng giáo dục ở các nhà trường đã có sự khởi sắc, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường học dần được thu hẹp. Cụ thể, trong số 70 trường THPT có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, thì ngoài những trường có truyền thống dạy tốt, học giỏi, đã xuất hiện nhiều tên tuổi mới ở các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín, Thạch Thất…” - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết.

“Từ sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ, toàn diện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, những năm gần đây, chất lượng giáo dục ở các nhà trường đã có sự khởi sắc, khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường học dần được thu hẹp. Cụ thể, trong số 70 trường THPT có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, thì ngoài những trường có truyền thống dạy tốt, học giỏi, đã xuất hiện nhiều tên tuổi mới ở các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín, Thạch Thất…”.

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hà Nội Chử Xuân Dũng