Hà Nội thông qua Đề án quan trọng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 2/7, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thống nhất cao thông qua chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030.
HĐND TP Hà Nội thống nhất thông qua chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030

HĐND TP Hà Nội thống nhất thông qua chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030

HĐND TP quyết nghị thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030 do UBND TP trình tại Tờ trình số 178/TTr-UBND ngày 14/6/2024.

HĐND TP giao UBND TP tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban pháp chế và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố để hoàn thiện nội dung của Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thành phố giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và ký Quyết định ban hành Đề án theo thẩm quyền quy định;

Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu, đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố và đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế - HĐND TP nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Thường trực HĐND Thành phố; Ban Pháp chế đã phối hợp với UBND Thành phố và Công an Thành phố để đóng góp ý kiến đối với các nội dung cụ thể của Đề án theo từng giai đoạn; tổ chức làm việc với Công an Thành phố, Hiệp hội PCCC và CHCN Việt Nam để làm rõ một số nội dung trong Đề án.

Ban Pháp chế thống nhất chủ trương ban hành Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030, nhằm đề ra các nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên và trọng tâm, đột phá, từng bước tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc, đồng thời khai thác tối đa nguồn lực của Thành phố, tập trung phát triển cho công tác PCCC và CNCH giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, Hà Nội hiện có 159.780 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó, có 8.261 cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, 01 cảng hàng không quốc tế, 8 cảng sông, 10 khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 70 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và trên 500 khu dân cư, làng nghề có nguy cơ cháy, nổ cao.

Trong khi đó, điều kiện hạ tầng, giao thông, nguồn nước liên quan phục vụ chữa cháy, CNCH chưa đồng bộ để đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế xã hội; nhận thức, ý thức trong công tác PCCC, CNCH của một bộ phận cấp ủy, chính quyền địa phương (nhất là cấp phường, xã), người đứng đầu cơ sở và người dân chưa cao.

Vì vậy, trong những năm qua, tình hình cháy, nổ trên địa bàn Thành phố vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Trong 10 năm (2013-2023) xảy ra 4.459 vụ cháy, 18 vụ nổ, trên 8.000 vụ sự cố nhỏ khác gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Đáng chú ý, trong số các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, có những vụ xảy ra tại loại hình không thuộc diện quản lý về PCCC.

Mặc dù vậy, trong 10 năm qua, công tác PCCC và CNCH vẫn luôn được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tổ chức thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng, kịp thời.

Thống kê trong 10 năm (2013 - 2023), lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Thành phố nhận được tổng cộng 1.284 tin CNCH và tổ chức cứu, hướng dẫn thoát nạn cho hơn 1.000 người…

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhiều vụ việc, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH gặp khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường để tổ chức giải cứu nạn nhân nên thời gian qua đã có nhiều vụ việc có số lượng nạn nhân tử vong cao; lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành chưa phát huy được hết vai trò, năng lực trong công tác CNCH.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, tiến độ xử lý đối với các công trình vi phạm PCCC theo Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND còn chậm do gặp nhiều bất cập, vướng mắc; quân số, biên chế cho các Đội PCCC và CNCH chưa đáp ứng được yêu cầu, tình hình thực tế công việc; chế độ chính sách cho lực lượng chữa cháy, CNCH chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của nghề nghiệp;

Quy hoạch và xây dựng hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác PCCC và CNCH; kinh phí, phương tiện trang bị cho Cảnh sát PCCC và CNCH cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu; việc đầu tư cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, PCCC chuyên ngành còn hạn chế...

HĐND TP khẳng định, việc thông qua “Đề án về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030” với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá, các nhiệm vụ định kỳ thường xuyên là cần thiết; nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cùng với cơ chế vận hành thống nhất, đồng bộ từng bước tháo gỡ, giải quyết những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC và CNCH của thành phố;

Đồng thời, khai thác tối đa nguồn lực của địa phương góp phần nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC, CNCH của Thủ đô đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế xã hội trong tình hình mới...