Hà Nội: Thành lập hơn 1.600 tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước

ANTD.VN - Tính đến thời điểm này, Hà Nội có 1.637 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước trên địa bàn thành phố với 26.455 đảng viên.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phát triển

tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là rất cần thiết

Sáng nay, 9-3, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố, giai đoạn từ nay đến năm 2020”. Tới dự có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, sau 5 năm thực hiện nghị quyết này, toàn Đảng bộ thành phố đã thành lập mới được 886/1.036 tổ chức đảng, nâng tổng số tổ chức đảng trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước của thành phố lên 1.637 tổ chức. Cùng đó, phát triển được 5.964 đảng viên mới (trong đó có 24 chủ doanh nghiệp tư nhân), nâng tổng số đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước của thành phố lên 26.455 đảng viên.

Cũng trong 5 năm qua, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã thành lập mới 1.994 tổ chức công đoàn cơ sở, kết nạp 213.066 đoàn viên; Thành đoàn Hà Nội đã thành lập được 681 tổ chức đoàn, hội với 20.401 đoàn viên, hội viên; Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố thành lập mới được 151 tổ chức cơ sở Hội với 4.798 hội viên…

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đánh giá cao việc Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khóa 15 đã ban hành được Nghị quyết 09, cũng là Nghị quyết đầu tiên và duy nhất của nước ta đến thời điểm này về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Việc Hà Nội triển khai và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết này là cách làm rất chuyên nghiệp vì đây là vấn đề mới đòi hỏi phải vừa làm, vừa mò mẫm, vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện.

Theo đồng chí Phạm Minh Chính, doanh nghiệp phải thấy có lợi thì họ mới ủng hộ, mới thực hiện tích cực và có trách nhiệm chủ trương này. Muốn vậy, phải tìm ra được cơ chế nào đó để đảm bảo hài hòa các mối quan hệ, lợi ích của doanh nghiệp, Nhà nước và người lao động.

“Đây là bài toán rất khó. Tuy nhiên không phải vì mới, vì khó mà chúng ta không làm và thực tế 5 năm qua, kết quả mà Hà Nội làm được khi thực hiện Nghị quyết 09 là rất tích cực. Chỉ có trên cơ sở thực tiễn mới đúc rút được kinh nghiệm, tìm ra được những mô hình phù hợp. Đề nghị Hà Nội cần tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa công tác này. Những cách làm hay của Hà Nội là rất đáng quý, đáng trân trọng và có thể tổng kết để áp dụng rộng ra cả nước” – Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Đồng quan điểm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, qua 5 năm, với bước đi thận trọng, khoa học, sáng tạo, Hà Nội đã triển khai có hiệu quả Nghị quyết này. Tuy nhiên khó khăn thách thức trong bối cảnh hiện nay là rất lớn khi mà số lượng doanh nghiệp ở khối ngoài quốc doanh đang tăng mạnh và trong các doanh nghiệp này ngày càng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm đến 90%).

“Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc này, một số nơi mới quan tâm đến phát triển số lượng các tổ chức đảng, đoàn thể trong đơn vị còn sinh hoạt của tổ chức thì hình thức. Nếu không thấy được tổ chức công đoàn, các tổ chức đoàn thể nhân dân, tổ chức đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh có vai trò kết nối quan trọng giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người lao động thì chúng ta sẽ thất bại, phong trào chỉ được thời gian rồi lại đi xuống” – Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nói.

Về giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị phải tiếp tục kiên trì thực hiện Nghị quyết 09 và nâng cao hơn hiệu quả công tác này. Muốn vậy, theo Bí thư Thành ủy, đầu tiên, phải đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 09; nhận thức của chủ doanh nghiệp về vị trí, vai trò của tổ chức đảng, các đoàn thể đối với lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Ngoài ra, phải chủ động nắm bắt tình hình doanh nghiệp, doanh nhân, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp để kịp thời có chủ trương tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Mặt khác, phải tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp, củng cố, đổi mới mô hình tổ chức và nội dung, phương thức lãnh đạo của các loại hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp; tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo hướng dẫn của Trung ương, Thành ủy Hà Nội…