Hà Nội thẳm sâu, trong veo, bình dị

ANTD.VN - Báo An ninh Thủ đô mở chuyên trang “Sống ở Hà Nội” vào thứ năm hàng tuần. Số ra mắt chuyên trang, dưới góc nhìn của mình, nhà văn Nguyễn Việt Hà góp phần lý giải, tại sao nên “Sống ở Hà Nội”.

Lời Tòa soạn: Bạn đọc thân mến, 

Bắt đầu từ hôm nay, Báo An ninh Thủ đô mở chuyên trang “Sống ở Hà Nội”. Vào mỗi thứ năm hàng tuần, chuyên trang sẽ mang tới những câu chuyện về một Hà Nội hào hoa “thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống”. Đó còn là một Hà Nội thời những “tài hoa ra trận”, thời bao cấp vất vả khó khăn nhưng nụ cười người Hà Nội luôn trong veo và tươi tắn. Không chỉ hoài niệm quá khứ vàng son kiêu hãnh, “Sống ở Hà Nội” còn mang đến cho bạn đọc những vấn đề của Hà Nội hôm nay, đẹp - chưa đẹp, tốt - chưa tốt, thật giả - đúng sai đan cài… Thông qua chuyên trang, cư dân Hà Nội thẳng thắn trước những ích kỷ, hẹp hòi, thờ ơ, vô cảm trong mọi hành vi văn hóa, ứng xử, giao tiếp thường nhật nơi công cộng, trong nhà, ngoài ngõ. Chúng ta, những người đã và đang yêu Hà Nội có quyền hy vọng, những bài viết nhỏ sẽ được lan tỏa, để từ đó nhân lên những điều tốt đẹp. 

Trong số đầu tiên ra mắt chuyên trang, dưới góc nhìn của mình, nhà văn Nguyễn Việt Hà  góp phần lý giải, tại sao nên “Sống ở Hà Nội”.

AN NINH THỦ ĐÔ

Hà Nội thẳm sâu, trong veo, bình dị ảnh 1Một góc đường và vườn hoa mang tên bác sĩ Yersin (người Pháp) ở Hà Nội. Ảnh: TUẤN ANH

Khá nhiều những đô thị lừng danh trên thế giới, khi khiêm tốn tự tiếp thị cho mình, thì thường hay dùng một mẫu câu mang vẻ quảng cáo “đây có phải là thành phố đáng sống nhất”. Hình như đã có vài cuộc trắc nghiệm xã hội học, người ta cũng đã đặt ra một câu như thế để hỏi những người đang sống ở Hà Nội.

Đa phần các câu trả lời từ những người gốc gác cũ kỹ Tràng An đều tương đối giống nhau, Hà Nội là nơi xứng đáng nhất để sống. Tất nhiên, nếu hỏi bất kỳ một Parisien hay New Yorker nào đấy thì họ cũng sẽ cho Paris hoặc New York là đệ nhất. Điều này thật dễ hiểu. Bởi như đại văn hào của người Nga là Dostoyevsky đã nói: “Có hai điều mà người ta không thể chủ động chọn, đó là quê hương và bố mẹ”. Ai sinh ra ta sẽ là bố mẹ ta, cho dù đó là bậc vua chúa sang trọng hay những thảo dân nghèo hèn. Và nơi nào ta được sinh ra rồi lớn lên thì nơi đấy chính là quê hương yêu dấu. Có lẽ vì thế mà lòng yêu bố mẹ cũng như lòng yêu quê hương đất nước luôn là một cảm thức trong sáng tự nhiên, thậm chí không cần phải giáo dục. 

Do lựa chọn ngẫu nhiên từ lịch sử, mảnh đất Thăng Long hào hoa văn vật luôn vất vả tần tảo tồn tại đẫm đầy bi tráng. Đã không biết bao lần, cái Kinh Thành oanh liệt này đã ngun ngút cháy khi phải đối đầu với đủ mọi thế lực ngoại xâm, nhưng chưa lần nào nó chịu cúi đầu khuất phục. Và cứ như thế hàng nghìn năm, Hà Nội vẫn nghẹn ngào quật cường bất diệt. Khi đã ở một nơi như thế, nếu không có một tình yêu mãnh liệt sẽ rất khó sống. Chẳng có đứa con tử tế nào lại chê bố mẹ nghèo. Nó khá giống như một nguyên tắc mà đại triết gia Lão Đam từng nói trong cuốn Đạo Đức kinh “gia bần tri hiếu tử”, nhà nghèo thường hay có con hiếu. Và cũng như nhiều cư dân biết yêu quê hương ở mọi miền nước Việt khác thôi, lòng yêu Thủ đô của người Hà Nội không bao giờ phô phang lên gân, nó thẳm sâu trong veo bình dị. Nó không cần bất cứ ai dạy dỗ, nó vốn có và vĩnh cửu nằm nhói buốt trong tim của từng người.

Có thể nói cho đến bây giờ, nếu miễn cưỡng phải so với các đô thị lớn khác, thì Hà Nội vẫn là nơi có nhiều người sống chậm. Không phải ngẫu nhiên mà khi làm những dự án lớn quy hoạch lại bộ mặt của thành phố, thì từ dân cho đến quan đều dẫn ra cái câu “Hà Nội không vội được đâu”. Ở đây hay dở chưa bàn, nhưng có điều, nếu sống được chậm thì người ta thường dễ tinh tế sâu sắc hơn. Có phải vậy chăng mà những nụ hôn của người Hà Nội lúc ở trong trắng mối tình đầu thường kéo rất dài. Nó ám ảnh tới mức, có một hồi lãng mạn xa xưa của thế kỷ trước, không ít thiếu nữ Hà thành dang dở đang yêu đi trẫm mình. 

Thế nhưng Hà Nội thực sự là gì, liệu đây có phải là một câu hỏi quá khó. Hà Nội thì có sông, có hồ và quan trọng nhất là có người. Khái niệm “người Hà Nội” thì đương nhiên khác khái niệm “người ở Hà Nội”, cho dù cùng năm tháng những người ở Hà Nội, phần nào đấy, rất dễ thành người Hà Nội. Những người Hà Nội gốc gác xa xưa tuy đã thấp thoáng ẩn hiện ở “Thượng kinh ký sự” của thần y Lê Hữu Trác, ở “Vũ trung tùy bút” của lãng tử Phạm Đình Hổ, thế nhưng phải đến thượng bán thế kỷ Hai Mươi họ mới thực sự có một “chân diện” đậm nét. Họ là những người thấm đẫm cốt cách phương Đông, nhưng ung dung phóng khoáng khi tiếp nhận văn hóa phương Tây.

Hà Nội thẳm sâu, trong veo, bình dị ảnh 2Phố Châu Long. Ảnh: ĐỨC HẠNH

Ở thời đoạn sơ khai ra một Hà Nội hiện đại này, không thể không nhắc đến vai trò của người Pháp. Tất nhiên, ngoài phần lớn những tên thực dân tham lam hung hăng, nước Pháp còn đem theo vào những đứa con tử tế nhất làm quà tặng riêng cho Hà Nội. Đó là những trí thức, văn nghệ sĩ đích thực, chân thành đem tinh hoa văn hóa phương Tây tới “Thăng Long-Kẻ Chợ”. Không phải ngẫu nhiên mà ở hôm nay, Hà Nội vẫn trân trọng có con phố với vườn hoa tuyệt đẹp mang tên Yersin.

Có thể nói không ngoa, thế hệ vàng thi văn tiền chiến 30-45 với những Thế Lữ, Xuân Diệu, Thạch Lam… là hệ quả thành tựu từ sự tiếp biến văn minh tích cực ấy. Và không chỉ văn hóa, kinh tế ở Hà Nội cũng có những đổi thay nhất định. Một giai tầng trung lưu tương đối dư dật đã xuất hiện. Ở sâu xa nội lực tâm hồn của tất cả lớp thị dân hiện đại ban sơ này, đã hình thành nên các phẩm tính mà bây giờ chúng ta vẫn coi là “Hà Nội”.

Đó là sự tinh tế tài hoa cầu kỳ kiêu bạc, là sự thẩm thực, thẩm âm, thẩm văn thượng thặng, nhưng cực kỳ “tự nhiên, nhi nhiên”. Đã là người Hà Nội thì không bao giờ phải cố. Họ vô tư trong sáng ái quốc, nồng nàn hồn nhiên ngay cả khi phải khắc nghiệt lao động và chiến đấu. Có thể thấy rất rõ những phẩm chất đó trong thế hệ chiến binh đầu tiên của Trung đoàn Thủ đô nức tiếng mà nòng cốt là những học sinh tiểu tư sản, những người buôn bán nhỏ hay những công chức trẻ. Thật dễ hiểu khi ngã xuống thành liệt sĩ, hình tượng của họ luôn thăng hoa cảm động trong văn, trong nhạc, trong họa của lớp thị dân kế tiếp.

Và người Hà Nội sẽ mãi mãi không mất những phẩm chất này. May mắn thay, khi được sinh ra hay lớn lên ở vùng đất Thăng Long - Hà Nội.