Hà Nội: Tập trung chỉnh trang, hiện đại hóa, phát triển đô thị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng Hà Nội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị thực hiện ngay một số nội dung, trong đó cần tập trung  chỉnh trang, hiện đại hóa, phát triển đô thị...

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong báo cáo tại buổi làm việc

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong báo cáo tại buổi làm việc

Sáng nay, 22-12, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Sở Xây dựng về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở và ngành xây dựng năm 2020; định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 của thành phố đạt kết quả tốt; hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Đến tháng 12-2020, diện tích nhà ở bình quân toàn thành phố đạt 26,8 m2/người, vượt sớm mục tiêu 26,3 m2/người.

Về hạ tầng kỹ thuật đô thị, tổng công suất nguồn cấp nước sạch toàn thành phố hiện đạt 1,520 triệu m3/ngày đêm, đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị; tỷ lệ phủ mạng tại khu vực nông thôn đạt 78% và có 67,6% người dân nông thôn sử dụng nước sạch.

Về thu gom và xử lý chất thải rắn, hiện Sở Xây dựng đang đôn đốc tiến độ thực hiện dự án Nhà máy đốt rác phát điện 4.000 tấn/ngày tại Nam Sơn; tiến độ điều chỉnh chủ trương đầu tư nhà máy xử lý rác 1.500 tấn/ngày tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn...

Năm 2020, toàn thành phố đã trồng hơn 190.000 cây đô thị, bóng mát. Tính lũy kế từ 2016 đến nay, thành phố đã trồng được hơn 1.614.874 cây đô thị, bóng mát, đạt 100,9% kế hoạch.

Công tác quản lý tự xây dựng đô thị có những chuyển biến tích cực, giải quyết được nhiều trường hợp vi phạm, tồn đọng, hạn chế các vi phạm mới phát sinh và không để xảy ra các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội...

Dù vậy, trong công tác duy trì vệ sinh môi trường tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn là vấn đề bức xúc; một số khu vực quận, huyện còn để rác tồn đọng trong ngày. Vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô đã giảm nhưng vẫn còn những diễn biến phức tạp. Công tác cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ còn chậm...

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ kết luận buổi làm việc

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ kết luận buổi làm việc

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dù là lĩnh vực quản lý có phạm vi rộng, quy mô lớn nhưng năm 2020, Sở Xây dựng đã cơ bản làm tốt chức năng được giao.

Đặc biệt, trong một số vụ việc, lĩnh vực khó và phức tạp, ngành xây dựng đã tham mưu cho thành phố và chỉ đạo xử lý, giải quyết, đạt được những kết quả tích cực, dấu ấn nổi bật. Chẳng hạn, Sở Xây dựng đã tập trung xử lý dứt điểm vụ việc tại tòa nhà 8B Lê Trực; xử lý rác thải tại Khu Liên hợp xử lý rác thải Sóc Sơn…

“Thành phố đang ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn” - Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nói.

Về các tồn tại, hạn chế được chỉ ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu, Sở Xây dựng cần rà soát, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quy hoạch, đặc biệt quy hoạch đô thị để có mốc thời gian cụ thể hiện thực hóa các "sản phẩm”.

Bên cạnh nhiệm vụ chủ yếu được giao, Sở cần chọn một số nội dung để tập trung thực hiện ngay từ năm 2021, như: Vấn đề chiếu sáng, thoát nước, sửa chữa khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Cầu Giẽ…

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng yêu cầu, với tư cách là cơ quan thường trực, Sở Xây dựng cần rà soát lại các hạn chế, tồn tại sau tổng kết chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2016 – 2020 và Chỉ thị 08 của Thành ủy về đảm bảo trật tự văn minh đô thị. Từ đó, rút kinh nghiệm trong thực hiện chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy, trong đó, cần chú ý đến yếu tố về chỉnh trang, hiện đại hóa, phát triển đô thị và phải tập trung toàn lực để sớm tổ chức thực hiện.

Với các kiến nghị của Sở, Bí thư Thành ủy giao các đơn vị rà soát để giải quyết, tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp, việc nào cấp bách cần làm trước.