Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Tô Văn Động:

Hà Nội tạo sự hấp dẫn khác biệt cho du khách

ANTĐ - Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2015, du lịch Thủ đô đã đón 2,74 triệu lượt khách, tăng 2,1% so với cùng thời điểm năm 2014. Không chỉ có thế, mấy năm gần đây, Hà Nội liên tục lọt vào top bình chọn các điểm đến ấn tượng nhất thế giới. Đây là tin vui, nhưng cũng khiến ngành du lịch Hà Nội “đau đầu” tìm cách đổi mới, tạo ấn tượng đẹp hơn đối với du khách. PV ANTĐ đã có cuộc trò chuyện cùng ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội. 

Hà Nội tạo sự hấp dẫn khác biệt cho du khách  ảnh 1Du khách quốc tế thích thú được chụp ảnh cùng thiếu nữ Hà Nội

- PV: Xin chúc mừng ngành du lịch Hà Nội đã tạo được con số ấn tượng ngay những tháng đầu năm 2015. Sở VH-TT&DL đã tiến hành các hoạt động khảo sát, xúc tiến, quảng bá du lịch thế nào, thưa ông? 

- Giám đốc Sở VH-TT&DL Tô Văn Động: Thời gian qua, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng du lịch của Thủ đô Hà Nội mà trọng tâm là các giá trị di sản văn hóa, tự nhiên để thu hút cả thị trường khách du lịch trong nước lẫn quốc tế. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát tại một số bảo tàng, nhà hát và bước đầu đưa ra chương trình biểu diễn với tên gọi “Long thành diễn xướng” tại Nhà hát Chèo Hà Nội. Đây được coi là chương trình nghệ thuật điểm, nếu khả quan sẽ tiếp tục nhân rộng.  

- Du lịch Hà Nội, đặc biệt là phố cổ chỉ hấp dẫn được khách nước ngoài, còn khách trong nước thì số lượng ít. Sở VH-TT&DL có cách nào để hấp dẫn khách trong nước, thưa ông?

- Trọng tâm mà du lịch Hà Nội đã đặt ra trong thời gian tới là khai thác hiệu quả cả thị trường khách quốc tế và nội địa. Sở VH-TT&DL đã phối hợp với các ngành liên quan trên địa bàn Hà Nội tăng cường công tác quản lý nhằm tạo môi trường du lịch tốt, nhất là tại các điểm du lịch, cơ sở cung cấp dịch vụ và các dịch vụ bổ trợ. Chỉ đạo các doanh nghiệp hưởng ứng tham gia chương trình kích cầu người Việt Nam đi du lịch Việt Nam. Tăng cường hợp tác với du lịch các tỉnh bạn trong xây dựng sản phẩm và kết nối tour tuyến, quảng bá xúc tiến, khuyến khích khách du lịch đi lại giữa Thủ đô với các địa phương.    

- Thực tế là các sản phẩm lưu niệm, hệ thống dịch vụ để du khách “móc hầu bao một cách vui vẻ” còn quá ít, quá khan hiếm những sản phẩm quà tặng độc đáo. Quan điểm của ông về vấn đề này?

- Hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch của Hà Nội mặc dù ngày một cải thiện song vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục, đó là làm thế nào để tạo sự hấp dẫn khác biệt, độc đáo và tạo điểm nhấn trong mỗi sản phẩm, trong đó có sản phẩm đồ lưu niệm. Hiện Sở VH-TT&DL Hà Nội đã và đang phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, cùng các hiệp hội làng nghề truyền thống, các nghệ nhân, các chuyên gia văn hóa, du lịch nghiên cứu, định hướng lựa chọn, xây dựng các sản phẩm làng nghề truyền thống để làm sao nêu bật được nét độc đáo, ấn tượng và phù hợp với thị hiếu của khách để mang lại hiệu quả cao nhất. 

 - Trước đây, khi đến Hà Nội, du khách vẫn nói vui rằng, “ăn tối, rối nước rồi về ngủ” để chỉ sự hiếm chỗ vui chơi tại Hà Nội. Theo quan điểm của ông thì điều này có chính xác?

- Nhu cầu sử dụng dịch vụ sản phẩm và dịch vụ du lịch là rất đa dạng và tùy thuộc vào từng đối tượng. Ví dụ, có khách du lịch thích đi tham quan di tích lịch sử, văn hóa, vãn cảnh, nghỉ dưỡng; trong khi người khác lại quan tâm tới vui chơi, giải trí, mua sắm… Thực tế có nhiều khách đi theo chương trình du lịch định sẵn, nên mức độ trải nghiệm đôi khi bị bó hẹp và hạn chế, cũng không ít khách đi theo chương trình du lịch cá nhân và xu hướng này càng gia tăng. Do đó, đánh giá và cảm nhận của mỗi đối tượng du khách tại điểm họ tới tham quan cũng khác nhau. Trên thực tế chưa có nghiên cứu để đánh giá về vấn đề này. Vì vậy, nhận định trên còn hơi cảm tính và phiến diện. 

- Với cả nghìn di tích lịch sử, cùng thiên nhiên ưu đãi, có núi, có sông, có hồ. Hẳn sẽ có một ngày nào đó, khách du lịch không ra biển mà đến Hà Nội để lên núi Ba Vì, Khoang Xanh, Suối Tiên… nghỉ dưỡng?

- Từ khi Hà Nội được mở rộng địa giới, khu vực phía Tây Hà Nội là địa danh có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trong đó đặc biệt phải kể tới Ba Vì - Suối Hai, dự án khu du lịch quốc gia trọng điểm mà Sở VH-TT&DL Hà Nội đang tích cực phối hợp nghiên cứu triển khai. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang phối hợp nghiên cứu đề xuất hình thành Trung tâm Văn hóa Du lịch Sông Hồng, dự án tầm cỡ quốc gia và dự kiến là điểm đến để khách du lịch Hà Nội cũng như cả nước tham quan, nghiên cứu tìm hiểu về những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc và vui chơi giải trí. Với thế mạnh hiện có, với nỗ lực đầu tư phát triển nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tăng cường công tác quảng bá xúc tiến, chắc chắn du lịch Hà Nội sẽ ngày càng hấp dẫn du khách.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!