Hà Nội tăng học phí tối đa 40% trong năm học 2019-2020

ANTD.VN - Tại kỳ họp thứ 9, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của Thành phố Hà Nội. Trong đó, mức tăng cao nhất là 40%.

Hà Nội sẽ tăng học phí với bậc THPT công lập trong năm học 2019-2020

Trong phiên làm việc buổi chiều ngày (8-7), Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng đã trình bày tờ trình số 104/TTr-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về việc quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của Thành phố Hà Nội và mức thu học phí đối với trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, trường Trung cấp Kỹ thuật Tin học Hà Nội năm 2019-2020.

Theo đó, UBND đề xuất tăng học phí đối đối với cấp học mầm non (không bao gồm mầm non 5 tuổi), trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông ở miền núi năm học 2019-2020 như sau:

Học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành thị (các phường, thị trấn) từ 155.000 lên 217.000 đồng/tháng, tăng 62.000 đồng so với năm trước (tăng 40%).

Học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn nông thôn (các xã trừ các xã miền núi) tăng từ 75.000 lên 95.000 đồng/tháng, tăng 20.000 đồng so với năm trước (tăng 26,7%).

Và học sinh theo học tại các cơ sở giáo dục ở các xã miền núi tăng từ 19.000 lên 24.000 đồng/tháng, tăng 5.000 đồng so với năm trước (tăng 26,3%).

Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, mức học phí đề xuất tăng phù hợp với khả năng chi trả của người dân Thành phố so với thu nhập bình quân 1 nhân khẩu 1 tháng. Cụ thể, kết quả khảo sát sơ bộ cho thấy thu nhập bình quân 1 nhân khẩu 1 tháng chung toàn Thành phố năm 2018 là 4.781.600 đồng (trong khu vực thành thị là 5.754.800 đồng, khu vực nông thôn là 3.669.000 đồng).

Tỷ lệ giữa mức thu học phí đề xuất với thu nhập bình quân 1 nhân khẩu 1 tháng khoảng 3,77% với khu vực thành thị; 2,59% với khu vực nông thôn. Do đó, UBND TP Hà Nội cho rằng, với thu nhập hiện nay, việc tăng học phí năm học 2019-2020 làm tăng khả năng chi trả cho việc học khoảng 1,08% so với thu nhập bình quân 1 nhân khẩu 1 tháng với khu vực thành thị; 0,55% so với khu vực nông thôn.

Tổng số thu học phí theo mức thu đề xuất dự kiến là 1.118,672 tỷ đồng; tăng 152,893 tỷ đồng so với năm trước. Trong đó, khu vực thành thị tăng 109,056 tỷ đồng, khu vực nông thôn tăng 43,437 tỷ đồng, khu vực miền núi tăng 0,4 tỷ đồng. Số tăng thu học phí (chênh lệch giữa mức thu học phí năm học 2019-2020 với mức thu học phí năm học 2018-2019): Một phần để thực hiện cải cách tiềnlương theo quy định, phần còn lại để chi sự nghiệp giáo dục hàng năm.

Cũng theo tờ trình của UBND TP Hà Nội, do không tăng học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở và giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở nên ngân sách Thành phố phải đảm bảo tương ứng khoảng 185,806 tỷ đồng.

Đồng thời, việc điều chỉnh tăng mức thu học phí không làm ảnh hưởng đến các đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, học sinh diện chính sách. Vì các đối tượng này đã được hưởng chính sách miễn, giảm học phí theo mức thu đề xuất khoảng 25,315 tỷ đồng.

Sau khi nghe báo cáo giải trình của UBND TP, báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế ngân sách (HĐND TP) các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về mức thu học phí đối với giáo dục mần non, giáo dục phổ thông công lập của Thành phố Hà Nội và mức thu học phí đối với Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Bắc Thăng Long, Trường Trung cấp kỹ thuật Tin học Hà Nội năm học 2019-2020.

Cũng trong phiên làm việc buổi chiều, HĐND TP đã biểu quyết, thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TP năm 2019; Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án cần thu hồi đất, danh mục công trình, dự án chuyển mục đích trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng...