Hà Nội sẽ trở thành một siêu thành phố trong tương lai

ANTĐ -Tham luận, đóng góp ý kiến tại Hội nghị "Hà Nội 2016- Hợp tác đầu tư và phát triển" diễn ra sáng nay 4/6, hầu hết các nhà đầu tư, các đại biểu tham dự đều cho rằng, Hà Nội cần quan tâm hơn tới thể chế chính sách, tạo điều kiện tốt nhất thu hút doanh nghiệp đầu tư để xứng đáng với vị thế 1 siêu thành phố vào năm 2030.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT: Hà Nội chuyển từ phát triển hướng tâm sang hướng biên

“Hà Nội đang nỗ lực phấn phát huy vai trò đầu tầu trong chính trị, văn hóa, xã hội và kinh tế của cả nước, để làm được việc này, TP Hà Nội cần quan tâm một số vấn đề:

Sau 2030 Hà Nội sẽ trở thành 1 siêu thành phố- Mega City, với tốc độ đô thị hóa nhanh và tốc độ gia tăng dân số như hiện nay, việc quy hoạch phát triển 5 TP vệ tinh sẽ giúp Hà Nội chuyển việc phát triển từ hướng tâm sang hướng biên, giảm sức ép về dân số, giảm tắc nghẽn khu vực trung tâm. Việc phát triển hướng biên trên nền tảng 5 TP vệ tinh sẽ mở ra cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư về đô thị, bất động sản,  tài chính.... Trong đó, 5 TP vệ tinh với những chức năng chính như TP Khoa học, TP của công nghệ cao, TP Tài chính, TP dịch vụ... Các TP có sự kết nối với nhau, hỗ trợ nhau cùng phát triển và tương trợ TP Trung tâm. Như vậy, TP Hà Nội mới là một TP siêu hiện đại.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT: "Hà Nội sẽ trở thành 1 siêu thành phố vào năm 2030"

Thứ hai, Hà Nội cần phát triển trở thành 1 đô thị xanh và sáng tạo, không chỉ phá triển cây xanh, mặt nước và môi trường, mà Hà Nội còn cần xây dựng định hướng tăng trưởng xanh cho TP. Sớm xây dựng vận hành các trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm vườn ươm công nghệ..., hướng tới nền kinh tế trí thức.

Thứ ba, Hà Nội phải xứng tầm trở thành trái tim của cả nước trên mọi lĩnh vực. Hà Nội phải đi đầu thực hiện thành công các chính sách của Đảng, Nhà nước, trong đó đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ. Hà Nội mạnh thì cả nước mới mạnh. Hà Nội phải trở thành trung tâm tài chính,  phát triển sánh ngang tầm với trung tâm hành chính của Singapore, Hồng Kông.

Và cuối cùng, Hà Nội phải phát triển theo hướng hòa bình và thân thiện. Hòa bình là điều kiện để các doanh nghiệp đặt nền móng đầu tư, sự thân thiện giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư cảm thấy như đang ở “nhà mình”, đất nước mình, đây là các tác nhân quan trọng để hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư.

Tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm đổi mới về đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, Hà Nội sẽ trở thành địa phương thu hút đầu tư hàng đầu trên cả nước”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam- VCCI: Đơn giản thủ tục hành chính, minh bạch đầu tư

Theo tôi trước hết, Hà Nội cần thực hiện tốt chương trình hành động tại Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ. Trong đó, tập trung một số điểm đột phá như: đơn giản hóa thủ tục hành  chính, thủ tục đầu tư và đảm bảo thủ tục này minh bạch, rõ ràng. Bên cạnh đó, cần thực hiện chính quyền điện tử trên địa bàn TP, các nơi đầu có đầu mối cụ thể để doanh nghiệp và người dân biết, liên hệ khi cần.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI Việt Nam: "Giảm thủ tục hành chính, minh bạch trong mọi thủ tục, giảm thanh kiểm tra chồng chéo".

Đặc biệt, cần kiên quyết loại bỏ việc thanh kiểm tra chồng chéo tại các doanh nghiệp, chỉ thanh kiểm tra 1 lần/năm, chỉ vào kiểm tra đến lần thứ 2 khi có dấu hiệu vi phạm rõ ràng, đồng thời không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự.

Theo đánh giá của chúng tôi, Hà Nội luôn nằm trong Top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về số lượng các doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn đầu tư kinh doanh. Hà Nội cần làm thế nào để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đáp ứng mong muốn của các doanh nghiệp, trong đó tập trung vào các lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội và đất đai”.

Susan Sutton, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: Hà Nội nên chậm lại một chút để tiến nhanh hơn

Hà Nội sẽ đạt 9 triệu dân vào năm 2030, do đó sẽ có nhu cầu rất lớn về nhà ở và các dịch vụ đi kèm như y tế, giáo dục... Trong khi đó, theo dự báo, tầng lớp dân số có mức sống khá trên địa bàn Hà Nội đang tăng nhanh, 50% số dân sẽ có mức thu nhập cao vào năm 2035. Bên cạnh đó, trục phía Tây của TP đang trở thành trục kinh tế, công nghiệp lớn, thu hút đầu tư mạnh mẽ.

Tuy nhiên, dòng đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ vào Hà Nội không quá lớn. Cuối năm 2015, tổng số tiền từ Mỹ đầu tư vào Việt Nam là 10,7 tỷ USD, nhưng Hà Nội không nhận được nhiều trong số này, dù Hà Nội nàm ư trong TP 10.

Nguyên nhân do vốn đầu tư vào Hà Nội thường được đầu tư vào dự án cơ sở hạ tầng, trong khi nguồn vốn từ Mỹ không tập trung vào lĩnh vực này. Hơn nữa, đầu tư vào Hà Nội khá khó khăn, thủ tục hành chính gây phiền hà, đau đầu cho các doanh nghiệp Mỹ. Chính quyền Hà Nội đang đẩy mạnh cải cách thể chế, chính sách, nhà đầu tư Mỹ rất hoan nghênh việc này.

Nhưng, theo tôi, Hà Nội nên chậm lại một chút để tiến nhanh hơn, phải có khoảng dừng chiến lược phát triển, tạo động cơ phát triển cho toàn quốc”.