- Hà Nội trình phương án hỗ trợ ăn bán trú cho học sinh tiểu học năm học 2025-2026
- Đề xuất thể chế hóa chủ trương miễn học phí, hỗ trợ bữa ăn trưa bán trú cho học sinh
![]() |
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà trả lời làm rõ nội dung các đại biểu quan tâm |
Hơn 80.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội khoá XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà đã trả lời làm rõ nội dung các đại biểu quan tâm liên quan đến bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, hiện trên địa bàn có hơn 80.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc các lĩnh vực do ba ngành chính quản lý: Y tế, NN&MT và Công Thương. Với quy mô lớn, đa dạng loại hình hoạt động và sự chồng chéo trong quản lý, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là một thách thức không nhỏ.
Thành phố đã ban hành nhiều chương trình, văn bản quan trọng để siết chặt công tác quản lý. Trong đó có Chương trình hành động số 26, Chỉ thị số 34 của Thành ủy về tăng cường lãnh đạo công tác an toàn thực phẩm và Nghị quyết số 49 của HĐND TP – quy định mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cao gấp hai lần quy định chung của Chính phủ.
UBND TP cũng đã phân công, phân cấp rõ ràng trách nhiệm quản lý, thành lập Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm do Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban và hai Phó Chủ tịch làm Phó Trưởng ban phụ trách từng lĩnh vực cụ thể.
Cùng với truyền thông nâng cao nhận thức về vấn đề ATTP, thành phố đã công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở vi phạm vệ sinh ATTP, trong đó nhiều cơ sở phải ngừng hoạt động. Đồng thời, thành phố tôn vinh, khen thưởng nhiều cơ sở thực hiện tốt nội dung này; đặc biệt chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm tra về vệ sinh ATTP thường xuyên, liên tục.
Thành phố cũng đã thành lập gần một nghìn đoàn thanh tra, kiểm tra ở các cấp để kiểm tra ATTP trên toàn thành phố. Số tiền xử phạt trong giai đoạn từ năm 2023 đến nay là hơn 52 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm nay, số tiền xử phạt khoảng 10 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, công tác bảo đảm vệ sinh ATTP đã có sự chuyển biến rõ nét. Nhận thức của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng đã được cải thiện và không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn.
Thí điểm khu thương mại ẩm thực có kiểm soát
UBND TP Hà Nội đã và đang triển khai nhiều mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm, bao gồm: tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, bữa cỗ tập trung đông người, bếp ăn tập thể trong trường học, mô hình kiểm soát thực phẩm trong và xung quanh chợ đầu mối.
Thành phố cũng ghi nhận sự thay đổi tích cực từ ý thức người dân, khi nhiều cơ sở đã tự giác nộp sản phẩm không đủ điều kiện ra khỏi chuỗi kinh doanh. Một ví dụ được Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà nhắc đến là ở làng nghề La Phù – sau khi có kiểm tra đột xuất, nhiều hộ sản xuất đã chủ động tiêu hủy hàng không đạt chuẩn.
Một nội dung đáng chú ý khác là việc Hà Nội sẽ nghiên cứu và triển khai thí điểm khu thương mại ẩm thực có kiểm soát theo hướng xã hội hóa. Phó Chủ tịch Vũ Thu Hà cho biết, thành phố sẽ mời các doanh nghiệp uy tín tham gia đầu tư, vận hành mô hình thương mại ẩm thực hiện đại, sạch sẽ, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Khu ẩm thực này sẽ tích hợp giữa các món ăn truyền thống đặc sắc của Hà Nội – được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể – với các món ăn quốc tế, hình thành điểm đến du lịch ẩm thực mang tầm khu vực. Song song với đó, thành phố sẽ triển khai mô hình tuyến phố ẩm thực có kiểm soát trên toàn địa bàn, bắt đầu từ việc ban hành các tiêu chí và tiêu chuẩn cụ thể. Các mô hình này không chỉ phục vụ người dân mà còn hướng tới khách du lịch, góp phần xây dựng thương hiệu ẩm thực Hà Nội an toàn, hấp dẫn.
Cung cấp tập trung suất ăn sẵn, tập trung
Trên cơ sở chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Thông báo số 177 của Văn phòng Trung ương Đảng, thành phố đang khẩn trương triển khai thí điểm tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh theo hướng tập trung – một trong những điểm mới quan trọng trong thời gian tới.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà, mô hình này sẽ thay thế hình thức nấu ăn tại từng trường học bằng việc chế biến tại một trung tâm, kiểm soát toàn bộ nguyên liệu đầu vào, quá trình sơ chế – chế biến – vận chuyển – bảo quản và tổ chức ăn uống. Điều này không chỉ bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn giúp giảm chi phí trung gian, tăng tính đồng bộ và dinh dưỡng.
Thành phố sẽ xây dựng thực đơn phù hợp với thể trạng, độ tuổi học sinh từng khu vực; kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm từ khâu nuôi trồng, giết mổ, chế biến đến vận chuyển. Hiện UBND TP đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết và sẽ triển khai thí điểm ngay trong năm học 2025–2026.
Kết luận phần trả lời chất vấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định: Thành phố xác định an toàn thực phẩm là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
"Việc triển khai mô hình mới sẽ tác động đến các nhóm đối tượng trên địa bàn thành phố. Vì thế, Thành phố mong mỗi người dân Thủ đô cùng cộng tác, chung tay để bảo đảm ATTP trên toàn địa bàn thành phố" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.