Vướng đầu tư xây dựng mạng lưới:

Hà Nội sẽ quá tải điện

ANTĐ - “Nếu không có thêm trạm 220kV nào được đưa vào vận hành thì trong năm 2012,  khu vực Hà Nội sẽ luôn trong tình trạng quá tải điện. Điều này sẽ dẫn tới việc, cả nước tuy đủ điện để sử dụng, nhưng riêng Thủ đô có khả năng phải thực hiện tiết giảm điện với mức 15-20% phụ tải toàn thành phố”- ông Trương Quốc Lẫm, Phó TGĐ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đã hết sức bức xúc khi trình bày những vướng mắc trong đầu tư xây dựng mạng lưới điện trước Ban Tài chính Ngân sách của HĐND thành phố vào cuối tuần qua…

Năm 2012, Hà Nội sẽ thiếu điện…


Vướng hàng loạt

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khối lượng thực hiện đầu tư các dự án lưới điện 110-110kV trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2006-2010 có xét đến năm 2015 đạt được tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với dự kiến. Cụ thể là đối với hệ thống lưới điện 220kV tính đến cuối năm 2010 chưa công trình nào được thực hiện. Với lưới điện 110kV thì khối lượng đường dây mới chỉ đạt 13%. Tất cả những yếu kém này đều xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là công tác bồi thường GPMB chưa thực hiện được.

Bi đát hơn, đối với các công trình trọng điểm cấp điện cho Hà Nội trong năm 2010-2011, dù đã có văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội, nhưng đến nay ngành điện mới chỉ đóng điện được cho 3 trong tổng số 11 máy biến áp 220kV, xây mới được 2 trong tổng số 11 trạm 110kV… Hầu hết các dự án triển khai đều bị chậm tiến độ, thậm chí nhiều dự án đã được phê duyệt từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thể hoàn thành. Tất cả những nguyên nhân chính cũng lại bắt đầu từ câu chuyện chưa thể giải phóng mặt bằng.

Ồng Trương Quốc Lẫm - Phó TGĐ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia cho biết: “Việc thiếu điện cho Hà Nội cần phải giải quyết rất cấp bách. Nhưng thực tế khi chúng tôi triển khai các dự án xây dựng mới, ngành điện gặp vô vàn khó khăn. Chỉ tính riêng thủ tục thỏa thuận tuyến với các cơ quan chức năng địa phương đã có quá nhiều bước như yêu cầu đo vẽ mặt bằng và các hành lang liên quan trên bản đồ tỷ lệ 1/500 hoặc 1/2.000. Trong khi đó hướng tuyến thường xuyên bị thay đổi so với thỏa thuận ban đầu. Nhiều quy hoạch, công trình hạ tầng khác của địa phương lại xuất hiện sau khi đã có thỏa thuận tuyến. Chính vì thế dự án điện phải thường xuyên điều chỉnh tuyến đường dây để chạy theo quy hoạch của địa phương”.

Ông Bùi Duy Dụng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cũng bức xúc không kém: “Công tác bồi thường GPMB thời gian thực hiện quá lâu. Trong khi việc quản lý đất đai ở các địa phương còn nhiều bất cập dẫn tới khó xác định nguồn gốc đất. Hơn nữa đơn giá và chính sách đền bù hỗ trợ của địa phương còn thấp so với thực tế dẫn tới người dân khiếu kiện hoặc không nhận đền bù khiến cho ngành điện không thể có mặt bằng triển khai dự án. Ngoài ra việc thay đổi, điều chỉnh tuyến của các địa phương dẫn tới thay đổi vị trí móng cột đường dây. Do đó chúng tôi lại phải kéo dài thời gian để thay đổi việc lập hồ sơ xin thu hồi đất và thời gian thực hiện công tác GPMB”.

Hệ quả tiêu cực

Theo Quy hoạch phát triển điện lực của Hà Nội giai đoạn 2011-2015, dự kiến nhu cầu điện bình quân tăng trưởng hàng năm sẽ là 12,7%. Tuy nhiên với khối lượng và kết cấu điện như hiện nay thì Hà Nội sẽ chỉ đủ để đảm bảo điện đến hết năm 2011. Nếu không có các giải pháp quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, việc cung cấp điện cho toàn thành phố sẽ xảy ra tình trạng quá tải thường xuyên trên lưới điện.

Dù chưa xảy ra, nhưng ông Trương Quốc Lẫm đã cảnh báo hệ quả nhãn tiền: “Chỉ nói riêng với khu vực phía Bắc Hà Nội, nguồn điện từ Nhà máy thủy điện Sơn La đã sẵn sàng. Nhưng, nếu với tình trạng thiếu mặt bằng như hiện nay thì không cách gì đưa điện về Hà Nội được bởi đường dây 220kV Vân Trì - Sóc Sơn và Vân Trì - Chèm sẽ bị chậm tiến độ. Ngoài ra để đáp ứng nhu cầu  điện cho Hà Nội năm 2012 cần đưa vào vận hành các trạm 220kV là Vân Trì, Thành Công cùng các đường dây 220kV. Nếu không thì có thể thấy trước được tình trạng quá tải ngay cả trong chế độ bình thường chứ đừng nói đến lúc cao điểm. Nhưng đáng lo nhất vẫn là các phần tử đầy tải và quá tải đều là những phần tử có vai trò quan trọng trong sơ đồ cung cấp điện cho toàn Hà Nội”.

Nói chung nhìn vào hệ thống cung cấp điện toàn thành phố có thể ví giống như người ta chuẩn bị một bữa ăn. Gạo, nước, củi, lửa đã sẵn sàng, nhưng thực khách vẫn đói meo chờ đợi bởi mãi vẫn không có người mang bàn tới để bày bát đũa. Nguồn điện có thể chưa thiếu, nhưng để đưa được nguồn điện đó tới người dân thì phải cần tới các trạm biến áp và đường dây truyền tải. Khổ nỗi, không có mặt bằng thì đường dây, trạm điện cứ phải nằm chờ và trong thời gian tới, tình trạng dân Hà Nội lại nháo nhác vì mất điện sẽ khó tránh.

Nếu thiếu điện, vẫn ưu tiên cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 34/2011/TT-BCT về việc lập và thực hiện kế hoạch cung ứng điện khi hệ thống quốc gia thiếu nguồn điện. Theo đó, trong trường hợp thiếu điện, Tổng công ty Điện lực Hà Nội và Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh vẫn được ưu tiên cung ứng. Các tổng công ty điện lực khác, công ty điện lực cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện các biện pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của việc tiết giảm điện tới hoạt động sản xuất và đời sống nhân dân như: Thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện và quản lý nhu cầu phụ tải điện; Thoả thuận với khách hàng sử dụng điện có nguồn điện dự phòng tại chỗ để khai thác các nguồn điện này khi xảy ra thiếu điện, giảm tiêu thụ điện vào giờ cao điểm. Nếu đã thực hiện các biện pháp trên mà nguồn điện vẫn thiếu thì thực hiện ưu tiên cấp điện theo quy định cho các đối tượng ưu tiên được UBND cấp tỉnh phê duyệt.