Hà Nội sẽ giảm dần tiến tới dừng sử dụng nước ngầm

ANTD.VN - Sáng nay, 14/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã kiểm tra dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống (Gia Lâm, Hà Nội).

Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khởi công từ ngày 9/3/2017.

Với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, dự án gồm hai hợp phần chính là công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 61,5ha tại xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm); tuyến ống dẫn nước sạch dài 76km tại các quận Long Biên, Hoàng Mai, các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh, Thanh Trì và một số khu vực của tỉnh Hưng Yên.

Đến nay, dự án đã vượt kế hoạch 1 năm; đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ được mở rộng và phát triển công suất đến năm 2030 đạt 600.000 m3/ngày đêm, tầm nhìn đến năm 2050 đạt công suất 900.000m3/ngày đêm và có khả năng mở rộng công suất lên tới 1,2 triệu m3/ngày đêm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải kiểm tra dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống

Theo đánh giá, nhu cầu sử dụng nước sạch của Hà Nội đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 1,6 triệu m3/ngày đêm, đến năm 2030 dự kiến là 2,4 triệu m3/ngày đêm. Trong khi hiện nay, sản lượng nước sạch sản xuất mới đạt khoảng xấp xỉ 950.000 m3/ngày đêm. Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống sẽ góp phần cung cấp bổ sung nguồn nước sạch cho thành phố với quy mô khoảng 2,5 triệu dân.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhìn nhận, đây là một trong số ít dự án hạ tầng trên địa bàn Hà Nội triển khai nhanh, về đích sớm, đúng kế hoạch và quy hoạch, đáp ứng được mong mỏi của thành phố và nhân dân Thủ đô về việc sử dụng nước mặt.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, thành phố sẽ giảm dần và tiến tới dừng việc sử dụng nước ngầm vì gây ra tình trạng sụt lún, ô nhiễm và đang cạn kiệt dần. Hiện nay, một số nơi trong khu vực trung tâm thành phố vẫn chưa đủ nước sạch sinh hoạt hàng ngày, chất lượng cũng chưa được đảm bảo về áp lực, nguồn cung...

Do đó, cùng với việc bảo đảm nguồn nước tốt, cần phải tính toán đến chất lượng nước, tiến tới xóa bỏ tình trạng mỗi nóc nhà lại thêm 2-3 bể nước. “Đề nghị UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch mạng lưới nước sạch làm cơ sở. Việc này cần làm nhanh”- Bí thư Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.

Cũng theo Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải, khi triển khai xây dựng mạng lưới cung cấp nước sạch, cần sắp xếp theo thứ tự; đầu tư mạng lưới đến đâu thì đóng cửa dần các giếng ngầm đến đó. Bên cạnh đó, Sở TN-MT Hà Nội cũng cần xem xét kết nối hệ thống quan trắc về nước sạch để cung cấp thông tin kịp thời tới người dân, như việc Hà Nội triển khai các trạm quan trắc không khí.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, cần kiểm soát việc xả thải dọc hai bên sông Đuống; cần xử phạt thật nghiêm các hành vi xả thải trái phép ra sông. “Nếu không kiểm soát chặt nguồn xả thải thì sông Đuống sẽ ô nhiễm giống như sông Nhuệ, sông Đáy”-  Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định.