Hà Nội sẵn sàng kích hoạt các bệnh viện dã chiến

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 24-7, tại Hội nghị Thông tin về các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, lãnh đạo các Sở: Y tế, Giao thông vận tải (GTVT), Công Thương đã thông tin và làm rõ các giải pháp của Thủ đô cũng như các vấn đề người dân quan tâm trong thực hiện giãn cách xã hội.
Toàn cảnh hội nghị

Toàn cảnh hội nghị

Phân luồng điều trị 4 tầng, không để lây nhiễm chéo…

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng, hiện các bệnh viện của thành phố đang điều trị 379 bệnh nhân Covid-19 tại 4 bệnh viện, trong đó có 8 bệnh nhân nặng (1 bệnh nhân lọc máu). Về diễn biến tình hình dịch, trung bình Hà Nội phát hiện thêm 50-60 ca nhiễm/ngày, dự kiến thời gian tới có thể tăng vì nhiều trường hợp phát hiện qua cộng đồng, thông qua sàng lọc, các trường hợp mắc nhưng không có triệu chứng. Hơn nữa, đợt dịch này chủ yếu là biến chủng virus Delta và Delta+, lây lan nhanh, chu kỳ lây lan ngắn, từ 2-3 ngày. Thực hiện các chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP, Sở Y tế đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết cho từng giai đoạn. Hiện nay, kịch bản 1.000 giường bệnh đã được thực hiện. Sở đã xây dựng kịch bản cho tình huống 5.000 - 10.000 - 20.0000 - 50.000 giường... và chia 4 tầng điều trị.

Cụ thể, tầng điều trị 1 bao gồm 80% bệnh nhân không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, được điều trị tại các bệnh viện dã chiến trên cơ sở thành lập từ các khu cách ly tập trung. Hiện thành phố có thể kích hoạt ngay bệnh viện dã chiến tại trường Quân sự Thủ đô và các bệnh viện dã chiến tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (với quy mô 3 tòa nhà, mỗi tòa có thể kích hoạt 1 bệnh viện với 700 giường).

Tầng điều trị 2 sẽ điều trị các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và có bệnh lý nền. Sở y tế sẽ kích hoạt các bệnh viện đa khoa tuyến quận/huyện để thu dung, điều trị. Dự kiến, mỗi bệnh viện đa khoa tuyến quận/huyện có thể đáp ứng 250 giường bệnh.

Tầng điều trị 3 và 4 gồm 5% bệnh nhân nặng, trong đó có 1% bệnh nhân rất nặng phải thở máy hoặc lọc máu, nguy cơ tử vong cao thì kích hoạt ngay Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thành bệnh viện hồi sức tuyến cuối, trước mắt sẽ bố trí 250 giường.

Ngoài ra, với phương châm “4 tại chỗ”, ngoài các bệnh viện của thành phố còn rất nhiều hệ thống y tế khác. Sở y tế sẽ triển khai quy chế phối hợp để tận dụng tối đa nguồn lực trên địa bàn, đó là các cơ sở y tế ngoài công lập, tuyến Trung ương, các bộ ngành, quân đội, công an. “Với những kịch bản như vậy, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy, UBND TP, trong thời gian tới hoàn toàn đáp ứng được với từng tình huống cụ thể” - Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định.

3 đối tượng được ưu tiên đi lại

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, với việc bảo đảm hàng hóa, Sở Công Thương đã được giao triển khai từ đầu năm 2020. Hiện đang triển khai phương án 5, mức hàng dự trữ tăng 3 lần so với các tháng bình thường với tổng giá trị 194.000 tỷ đồng của 17 mặt hàng thiết yếu. Lúc này nguồn cung hàng hóa đã được doanh nghiệp triển khai, thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo thành phố, lượng dự trữ đang tăng từ 30-50% được bố trí trong kho hàng tại nội đô và một số tỉnh lân cận. Từ khi có Công điện 15 của Hà Nội, các đơn vị phân phối tiếp tục đưa hàng về với lượng dự trữ hàng ngày tăng 30% ngay tại hệ thống quầy kệ và kho hàng trung tâm.

Theo bà Phương Lan, sáng 24-7, lượng khách mua tại các siêu thị tăng khoảng 15-30%, tuy nhiên hàng hóa vẫn bảo đảm bình thường. Tại các chợ dân sinh, nguồn hàng cũng được tiểu thương bảo đảm, không có hiện tượng găm hàng, tăng giá. Hà Nội cũng đang triển khai phương án để giúp doanh nghiệp thực hiện tốt lưu thông hàng hóa. Thành phố đã có chỉ đạo các sở, ngành để kích hoạt đồng bộ, thống nhất bảo đảm lưu thông hàng hóa tốt nhất cho người dân.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, thực hiện việc giãn cách xã hội, Sở đã tổ chức lại giao thông vận tải. Hiện 3 đối tượng được ưu tiên đi lại là: xe vận chuyển cung ứng hàng hóa theo “luồng xanh” quốc gia có lộ trình qua Hà Nội; xe chở hàng hóa thiết yếu cho Hà Nội; xe chở người và phương tiện phục vụ các cơ quan công vụ, cơ sở sản xuất kinh doanh, công trình xây dựng được phép hoạt động, các phương tiện vận chuyển hành khách khác được cấp thẩm quyền cho phép. Sở GTVT phối hợp với CATP duy trì 22 chốt kiểm soát hiện có, sẽ tổ chức thêm để có 30 chốt toàn thành phố và 26 chốt kiểm soát ở các quận, huyện. Về việc vừa qua có tình trạng ùn tắc ở một số chốt, ông Vũ Văn Viện cho biết sẽ tổ chức các chốt thành nhiều lớp để kiểm soát chặt chẽ 100% xe đi vào Hà Nội nhưng không gây ùn tắc.

Liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm về việc “shipper” (dịch vụ giao hàng quá ứng dụng công nghệ) có được hoạt động hay không, ông Vũ Văn Viện cho biết: “Đây là lực lượng lớn, chưa kiểm soát được dịch bệnh tốt nên “shipper” vận chuyển hàng hóa tự do, không có đơn vị nào quản lý sẽ phải tạm dừng để đảm bảo công tác phòng chống dịch chung của thành phố. Riêng đối với vận chuyển hàng hóa bằng xe 2 bánh của các đơn vị bưu chính, các siêu thị có doanh nghiệp quản lý thì cho phép hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp và các đơn vị phải lên danh sách và chịu trách nhiệm quản lý đối tượng này. Sau khi lên danh sách đội ngũ vận chuyển và gửi sang Sở GTVT, chúng tôi sẽ cấp tin nhắn gắn mã thông tin được phép lưu thông. Đội ngũ “shipper” sẽ lưu mã tin nhắn này di chuyển để thông qua các chốt. Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị trong việc thực hiện”.