Hà Nội… sách

ANTĐ - Em yêu quý! Hà Nội giờ đang chớm thu. Gió hiu hiu thênh thang trên khắp các phố phường. Ngoài những giờ làm việc căng thẳng, mỗi cuối tuần, để thư giãn, anh lại đi quanh Hà Nội ngắm phố phường. Nhìn những vỉa hè bày đầy sách với những biển "Đại hạ giá" rất to, bụi bặm mà thấy buồn nhiều hơn vui...

Vui là bởi, sách được bày bán như thế nghĩa là sách không còn là thứ xa xỉ, mà gần gũi với những người lao động còn chút niềm yêu thích sách và giới sinh viên. Nhưng lại buồn là bởi sách được bán ở nơi lề đường như vậy. Chợt nhớ thuở sinh viên, cách đây hơn chục năm em và anh thường đi dọc đường Láng để tìm mua sách cũ. Khi sang Đức làm nghiên cứu sinh, em email về kể, ở nước Đức, dù người dân yêu sách và đọc sách thường ngày nhưng hầu như sách được bày bán rất trang trọng, kể cả sách cũ chứ không như nước mình. ở đó, cứ muốn mua sách là phải vào cửa hàng.

Trong khi ở Hà Nội, bước ra vỉa hè là gặp sách. Sách được bán đại hạ giá lẫn với giày cũ, mũ bảo hiểm và thậm chí cả nhiều thứ khác nữa. Em có biết, anh còn tận mắt nhìn thấy một nhà văn nổi tiếng rưng rưng nâng cuốn sách mới ra, có dòng đề tặng của mình hẳn hoi, đã phơi cùng gió bụi và vô vàn những cuốn mới tinh khác... 

Nhưng Hà Nội đâu chỉ có những "vỉa hè sách", còn có cả những nhà sách, phố sách và ngõ sách nữa, cũng là để phù hợp với từng đối tượng, từng thói quen, và cả không gian sinh sống nữa. Sau khi ra trường, có một công việc ổn định, anh vẫn thích cùng em chen lấn ở phố sách Đinh Lễ hoặc vòng vèo vào tận sâu những con ngõ nhỏ của Tràng Tiền, nâng niu những cuốn sách mà mình mong chờ trên tay, để rồi tối về vừa đọc vừa tranh luận. Vì thế, chúng mình nhớ nhau hơn, gắn bó với nhau hơn cũng bởi những cuốn sách ấy.

Em biết không, mấy năm nay, Hà Nội ngày càng nhiều hiệu sách được mở ra với cách bày trí trang trọng, đẹp mắt, hiện đại, thậm chí các siêu thị, rạp chiếu phim cũng dành một phần không gian nhất định cho sách. Vào đây thì cả ngày không chán, vì nhiều sách lắm, thậm chí những cuốn “sách ngoại” cũng được nhập khẩu về, lại có máy lạnh chạy suốt ngày đêm, anh cũng đã thấy rất nhiều bạn trẻ nắm tay nhau vào đứng cả ngày để chọn sách.

Riêng anh, anh vẫn thích vào  hiệu sách Thuật quen thuộc ở phố Bà Triệu và "kho sách cũ trong lòng phố cổ" của ông Phan Trác Cảnh ở số nhà 5B phố Bát Đàn. ở đó, anh cảm nhận rõ được thời gian đang lưu dấu ấn lên những cuốn sách. Có cuốn ố vàng, có cuốn mới tinh còn thơm mùi mực. Nó làm cho anh nhớ đến giá sách cũ kĩ của cha anh ngày xưa, em biết rồi đấy. Ngày xưa, thay vì đồng quà tấm bánh mỗi dịp sinh nhật, lễ Tết, bố mẹ đã tặng các con những cuốn sách. "Hãy yêu quý những cuốn sách như chính tâm hồn mình"- bố anh đã ghi lên từng quyển sách như thế. Và thói quen đọc cho nhau nghe một vài chương của một cuốn sách hay trước khi đi ngủ đã được duy trì suốt những năm thơ bé. Cho đến bây giờ, anh vẫn thầm cảm ơn bố mẹ đã không nhất thiết phải quá lo lắng mang lại sự đầy đủ vật chất mà còn chăm lo đến phần bồi dưỡng tâm hồn cho con cái. Chính vì thế, mấy anh em trong nhà biết vượt qua những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất để trở thành người tử tế.

Và cũng phải khẳng định rằng, ở lứa tuổi anh và em, dường như chỉ có sách là món giải trí tinh thần duy nhất. Vả lại, Hà Nội vẫn là trung tâm của sách, vẫn có nhiều nhà sách ăn nên làm ra nên em đừng lo rằng giới trẻ Hà Nội ngày nay thờ ơ và vài năm sau thì chẳng còn ai yêu quý, thậm chí dị ứng cả với sách nữa.

Em biết không, anh vẫn có một ước mong rằng, một ngày nào đó, bất cứ nơi đâu ở Hà Nội đều được nhìn thấy người dân mình mang sách ra đọc, thay vì những tờ báo giật gân lá cải nhan nhản hàng ngày, chẳng mang lại chút văn hóa nào cả. Biết rằng, muốn độc giả luôn mang theo sách bên người thì ngành công nghiệp xuất bản sách ở Việt Nam cũng cần phải có những thay đổi. Thôi thì cứ hi vọng vậy thôi…