Hà Nội quá tải trường lớp đến bao giờ?

ANTD.VN - Mấy ngày gần đây, việc tuyển sinh trong các trường mầm non trở nên gay cấn với kiểu bốc thăm ăn may. Trường mầm non thực hành Linh Đàm được “lên sóng” liên tục với hình ảnh hàng trăm phụ huynh hồi hộp chờ kết quả liệu con mình có đủ may mắn để rơi vào 1 trong 40 suất trúng tuyển vào trường bằng phương pháp bốc thăm.

Hà Nội quá tải trường lớp đến bao giờ? ảnh 1Nhiều lớp học ở Hà Nội đều có sĩ số vượt nhiều so với mức quy định

Khảo sát thực tế, khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai là một trong những nơi có mật độ dân số cao nhất Thủ đô Hà Nội nhưng số trường công lại rất hạn chế. Trường mầm non công lập Hoàng Liệt chỉ có thể đáp ứng 317 trẻ trong khi số trẻ trong độ tuổi mầm non trên địa bàn phường này là 926 trẻ. Phường Thịnh Liệt của quận này có 1.290 trẻ điều tra trong độ tuổi ra lớp nhưng trường mầm non công lập Thịnh Liệt chỉ đáp ứng được 266 trẻ. Chính vì thế nhiều trường mầm non công lập rơi vào tình trạng quá tải và bắt buộc phải bốc thăm để định đoạt ai là người may mắn được học công lập.

Nếu ở bậc mầm non, chỉ có thể dùng bốc thăm để quyết định được đi học hay không thì ở bậc tiểu học, việc đảm bảo 100% trẻ đúng độ tuổi phải được đến trường khiến sĩ số các lớp học tăng vọt so với quy định sĩ số chuẩn trong trường tiểu học. Quận Cầu Giấy trung bình mỗi lớp 1 công lập là 49 học sinh/lớp và lớp 6 các trường như Dịch Vọng, Dịch Vọng Hậu, Yên Hòa, Nam Trung Yên đều có sĩ số 50 học sinh/lớp, vượt nhiều so với mức quy định là 35 học sinh/lớp. Quận Hoàng Mai, con số này là 48 học sinh/lớp đối với các trường tiểu học Mai Động, Hoàng Liệt, Định Công, Đại Từ... 

Tại cuộc họp HĐND TP Hà Nội vừa diễn ra đầu tháng 7 năm nay, nhiều ý kiến đề cập một cách gay gắt đến tình trạng quy hoạch trường, lớp thiếu đồng bộ của Hà Nội dẫn đến hệ quả nhiều trường mầm non đành lựa chọn phương pháp bốc thăm may mắn để tuyển sinh cũng như tình trạng vượt sĩ số học sinh/lớp quá nhiều so với quy định. Vậy tình trạng quá tải, thiếu trường, thiếu lớp còn tiếp diễn đến khi nào?

Trước tình trạng chung cư mọc như nấm nhưng lại vắng bóng trường học, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết cần có chế tài mạnh hơn để yêu cầu nhà đầu tư xây dựng đầy đủ nhà trẻ, trường học. Còn phía Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội cũng đề xuất, UBND TP Hà Nội sớm có quyết định phê duyệt điều chỉnh và bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 

Được đến trường là đặc quyền của học sinh nhưng việc muốn được đi học phải bốc thăm hoặc được đi học trong tình trạng quá tải đang khiến học sinh Thủ đô đang thiệt thòi so với nhiều tỉnh, thành phố khác trên cả nước.