Hà Nội: Phó Chủ tịch UBND quận, huyện phải trực tiếp đi kiểm tra an toàn thực phẩm

ANTD.VN - Với phương châm không ngồi “đút chân gầm bàn” chỉ đạo mà phải đi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu đích thân các Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp quận, huyện, thị xã phải đi kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) ít nhất 1 lần/tháng…

Tất cả 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP

Kiểm tra nhiều nhưng xử phạt còn cả nể

Chiều 8-9, tại Hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội, Ban Chỉ đạo công tác ATTP thành phố cho biết, tính từ 10-7 đến thời điểm này, 100%  quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn của thành phố đã triển khai mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP.

Đến nay, sau 3 tháng triển khai, các đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP của các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã tiến hành xử phạt hành chính hơn 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có vi phạm, với số tiền hơn 700 triệu đồng. Trong đó, cấp quận huyện xử phạt 96 cơ sở/ 310 cơ sở được kiểm tra; cấp xã phường xử phạt 206 cơ sở/ 859 cơ sở được kiểm tra.

Dù vậy, theo đánh giá ban đầu, thực tiễn triển khai công tác thanh tra chuyên ngành ATTP ở cấp cơ sở cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc.

Đặc biệt, ở các xã phường, tâm lý “làng xóm, họ hàng” cũng dẫn tới sự “nể nang”, làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính,

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thành phố đã có kinh nghiệm qua việc thực hiện thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường, thị trấn từ năm 2016, đây là một điểm thuận lợi.

Tuy vậy, ở lần triển khai diện rộng trên toàn thành phố này, đa phần các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn triển khai thí điểm thanh tra lần đầu.

Mặt khác, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận huyện, xã phường mới được tập huấn thời gian ngắn, kiến thức và kinh nghiệm thanh tra còn hạn chế, trong khi quy trình thanh tra chặt chẽ, phức tạp nên gặp khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là tuyến xã còn dè dặt trong giai đoạn đầu triển khai…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo về công tác thanh tra chuyên ngành ATTP

Lãnh đạo đừng ngồi “đút chân gầm bàn” chỉ đạo

Hiện tại, cả nước có 9 tỉnh/ thành phố đang triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP cấp quận huyện, xã phường theo quyết định của Chính phủ.

Đánh giá về thực tiễn triển khai đến thời điểm này, ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP – Bộ Y tế cho biết, Hà Nội đang là địa phương triển khai một cách bài bản và nghiêm túc nhất.

Dù vậy, bên cạnh những hạn chế, khó khăn vướng mắc mà chính Ban chỉ đạo công tác ATTP thành phố Hà Nội đã “nhận diện” được, Phó Cục trưởng Cục ATTP chỉ ra thêm, các đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP cấp cơ sở của Hà Nội hiện mới chỉ tập trung chủ yếu vào các mặt hàng thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành y tế, trong khi “gốc” của vấn đề bảo đảm ATTP chính là sản phẩm nông nghiệp.

“Một vấn đề nóng trong cuộc chiến chống “thực phẩm bẩn” hiện nay chính là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, trong thời gian tới, Hà Nội nên phân công nhiệm vụ cho công tác thanh tra chuyên ngành ATTP cụ thể hơn, chẳng hạn về lĩnh vực y tế kiểm tra bao nhiêu cơ sở, lĩnh vực công thương và nông nghiệp kiểm tra bao nhiêu cơ sở...” – ông Long nói.

Với những kết quả ban đầu kể trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, dù công tác đảm bảo ATTP của thành phố đã có rất nhiều chuyển biến tích cực, 9 tháng đầu năm nay chưa để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn nào, song không vì thế mà chủ quan.

Với riêng hoạt động thanh tra, muốn đạt hiệu quả, phải triển khai liên tục, quyết liệt, không chỉ nhằm xử phạt mà qua thanh kiểm tra còn phải tuyên truyền, giáo dục để thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, trong công tác ATTP, lãnh đạo các địa phương cần xóa bỏ tư duy ngồi “đút chân gầm bàn” chỉ đạo mà phải đi kiểm tra thực tế.

Vì thế, ông Nguyễn Văn Sửu yêu cầu đích thân các Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp quận, huyện phải đi kiểm tra ATTP ít nhất 1 lần/tháng, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn kiểm tra 1 lần/tuần. Đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo UBND TP Hà Nội ra chỉ đạo như vậy, thể hiện quyết tâm rất lớn trong công tác đảm bảo ATTP, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Để đáp ứng đầy đủ nguồn nhân lực tham gia công tác thanh tra chuyên ngành ATTP tuyến cơ sở, thời gian qua Hà Nội đã tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ thanh tra cho gần 4.000 công chức, viên chức và đào tạo cấp chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm tiến hành xét nghiệm cho 1.240 người.