Hà Nội: Phát hiện hơn 13.600 tồn tại, thiếu sót về phòng cháy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CATP Hà Nội), các sai phạm về phòng cháy chữa cháy đã được chỉ ra trong lần kiểm tra trước mà trong lần kiểm tra, phúc tra sau vẫn không đảm bảo, sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. 
Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH thông tin tại hội nghị
Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH thông tin tại hội nghị

Chiều 22-9, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ CATP Hà Nội (PCCC&CNCH - CATP Hà Nội) đã thông tin về công tác phòng, chống cháy nổ 8 tháng đầu năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020.

Phát hiện hơn 13.600 tồn tại, thiếu sót về phòng cháy

Theo Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CATP Hà Nội) 8 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra 268 vụ cháy. Trong đó có 5 vụ cháy lớn, 3 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng… làm 6 người chết, 23 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính hơn 6,2 tỷ đồng.

So với cùng kỳ năm 2019, tình hình cháy, nổ giảm cả về số vụ và số người chết, bị thương (giảm 105 vụ cháy, 10 người chết, 6 người bị thương; thiệt hại về tải sản giảm hơn 35 tỷ đồng).

Đề cập đến kết quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CHCN Phạm Trung Hiếu cho hay, 8 tháng đầu năm, đơn vị này đã tổ chức hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC đối với hơn 36.000 lượt cơ sở, phát hiện hơn 13.600 tồn tại, thiếu sót về PCCC; ra quyết định xử phạt hơn 2.100 trường hợp với số tiền phạt hơn 12,1 tỷ đồng; tạm đình chỉ 235 lượt cơ sở, đình chỉ 171 lượt cơ sở; ban hành 3.498 công văn kiến nghị, yêu cầu cơ sở khắc phục.

Trong 8 tháng đầu năm 2020, lực lượng PCCC Hà Nội cũng đã duy trì tốt công tác thường trực, ứng trực, đảm bảo đủ phương tiện, quân số thường trực sẵn sàng chiến đầu, xử lý thông tin báo cháy nổ, cứu hộ cứu nạn đảm bảo thông suốt 24/24h; kịp thời điều động gần 3.000 lượt phương tiện cùng gần 21.000 lượt cán bộ chiến sĩ đến hiện trường tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Sức ép với lực lượng phòng cháy rất lớn

Trả lời những câu hỏi mà báo chí quan tâm liên quan đến công tác xử lý vi phạm về PCCC, Thượng tá Phạm Trung Hiếu cho hay, khi kiểm tra phát hiện vi phạm thì đơn vị kiểm tra sẽ kiến nghị để chủ đầu tư khắc phục. Các cơ sở đó sẽ cam kết thời gian để thực hiện.

Với những sai phạm đã được kiến nghị lần trước nhưng trong lần kiểm tra, phúc tra sau vẫn không đảm bảo, cơ quan chức năng sẽ xử phạt nghiêm khắc.

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, công tác PCCC ngày càng nhận được sự quan tâm của các cơ quan chức năng. Ý thức chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân được nâng cao và đi vào nền nếp; phong trào Toàn dân tham gia PCCC được đẩy mạnh, phát triển sâu rộng.

Về vi phạm phổ biến trong công tác phòng cháy chữa cháy, Đại tá Trần Ngọc Dương cho hay, có hiện tượng các cơ sở thuộc diện phải thiết kế, lắp đặt thiết bị về PCCC nhưng trong quá trình thi công lại không làm hoặc làm chưa đầy đủ nên cơ quan quản lý không thể thẩm định được.

Dù cơ quan quản lý rất mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp phát triển nhưng không thể vi phạm các quy định của pháp luật. “Sức ép đối với lực lượng PCCC – CATP Hà Nội chưa bao giờ lớn như bây giờ” - Đại tá Trần Ngọc Dương chia sẻ.

Về phương hướng triển khai công tác phòng cháy chữa cháy trong thời gian tới, Phó Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, cần có chế độ chính sách và kinh phí để làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy ở cơ sở.

Thực tế, lực lượng dân phòng là một trong những lực lượng đóng vai trò nòng cốt trong công tác PCCC&CNCH tại địa bàn cơ sở. Khi có sự cố cháy nổ xảy ra, lực lượng này nếu được trang bị tốt sẽ nhanh chóng dập tắt được các vụ cháy, từ đó, hạn chế được thiệt hại.

Tuy nhiên, do mô hình tổ chức, chế độ chính sách, kinh phí hoạt động, phương tiện... còn nhiều hạn chế, bất cập nên lực lượng này không phát huy được vai trò hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ".

Để khắc phục, CATP Hà Nội đã tham mưu cho UBND TP xây dựng Nghị quyết trình HĐND TP bố trí kinh phí hoạt động cho lực lượng dân phòng. Nội dung này sẽ được xem xét trong kỳ họp cuối năm của HĐND TP.