Hà Nội phải nỗ lực giữ vững danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", thanh lịch, văn minh

ANTD.VN - Bên cạnh các nhiệm vụ quan trọng về kinh tế xã hội, nhiều ý kiến trong Câu lạc bộ Thăng Long góp ý, giai đoạn tới đây, Hà Nội cần phải tiếp tục phấn đấu giữ vững danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, thanh lịch, văn minh.

Hà Nội phải nỗ lực giữ vững danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", thanh lịch, văn minh ảnh 1Toàn cảnh hội nghị góp ý tại Câu lạc bộ Thăng Long

Sáng nay, 18-6, được sự ủy quyền của Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Câu lạc bộ Thăng Long tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ thành phố.

Đồng chí Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, Chủ nhiệm câu lạc bộ chủ trì.

Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Tổ trưởng Tổ Thư ký - Giúp việc Ban Biên tập Văn kiện; các Phó Chủ nhiệm và đại biểu đại diện cho 1.500 thành viên câu lạc bộ Thăng Long.

Cần chỉ rõ những thành tựu và cả tồn tại, hạn chế 

Các ý kiến phát biểu góp ý tại hội nghị nhìn chung đều đánh giá Dự thảo Báo cáo chính trị đại hội XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học, nghiêm túc dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội. Nội dung Dự thảo ngắn gọn, súc tích, văn phong trong sáng, dễ hiểu. Bố cục chia làm hai phần phù hợp, dễ nắm bắt.

Bên cạnh đó, các đại biểu nêu nhiều góp ý, đề xuất bổ sung, hoàn thiện như: Cần đánh giá sâu sắc hơn về kết quả công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vì đây là điểm nhấn ấn tượng của thành phố trong nhiệm kỳ 2015-2020.

Lưu tâm đến một số nội dung cụ thể, ông Dương Ngọc Sơn, Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Thăng Long góp ý, ở phần thứ nhất đầu trang 2 của dự thảo báo cáo chính trị nêu “có nhiều cơ hội thuận lợi rất cơ bản” nhưng không nói rõ những cơ hội thuận lợi đó là gì, khiến người đọc băn khoăn.

Tán thành với những việc mà Thành phố Hà Nội đã đạt được rất tốt thời gian qua, song ông Sơn cũng dẫn chứng khá nhiều việc mà thành phố đã giải quyết chưa tốt, chẳng hạn như vụ vi phạm trật tự xây dựng tại công trình 8B Lê Trực… và đề nghị thành phố có giải pháp cụ thể hơn nữa để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã chỉ ra.

Hà Nội phải nỗ lực giữ vững danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", thanh lịch, văn minh ảnh 2TS Chu Đức Tính góp ý tại hội nghị

“Điều quan trọng không kém là Thủ đô Hà Nội phải tiếp tục phấn đấu giữ vững danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, thanh lịch, văn minh” – ông Dương Ngọc Sơn nói.

Tương tự, TS Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh, dự thảo báo cáo chính trị được chuẩn bị rất chất lượng, có tính khái quá cao. Dù vậy, cũng còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng đảng và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố cần được thể hiện sâu sắc hơn.

Cụ thể, về công tác chính trị, tư tưởng, ông cho rằng, thời gian qua còn chậm được đổi mới. Cách tuyên truyền, tổ chức học tập vẫn như cũ, không theo kịp sự biển đổi của thực tế.

TS Chu Đức Tính cũng góp ý, trong dự thảo báo cáo chính trị viết: “Thường xuyên quan tâm, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi...”, song thực tiễn đời sống vẫn đang có một một số đối tượng ít khi được hưởng những đãi ngộ của nhà nước. Đó là những quân nhân xuất ngũ, Thanh niên xung phong…

Cần bổ sung tính "tiền phong" của Đảng bộ thành phố

Chủ đề của Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội được đưa ra trong dự thảo báo cáo chính trị đại hội là “Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gương mẫu; phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.

Hà Nội phải nỗ lực giữ vững danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", thanh lịch, văn minh ảnh 3Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tiếp thu các ý kiến góp ý

Góp ý vào nội dung này, một số đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm các cụm từ như “tiên phong”, “kỷ cương” trước từ “gương mẫu” để thể hiện rõ hơn phần trách nhiệm và quyết tâm chính trị của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong nhiệm kỳ mới.

Các đại biểu cũng nhất trí cao với phương châm của Đại hội là “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”.

Một số ý kiến khác đánh giá, Dự thảo Báo cáo chính trị còn dùng nhiều từ đánh giá chung chung; đánh giá ưu điểm còn dài và lặp lại một số nội dung đã nêu trong phần kết quả phía trên.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị đánh giá sâu sắc hơn về nguyên nhân hạn chế; đề ra giải pháp cụ thể hơn để xử lý ô nhiễm môi trường; đưa vào Dự thảo Báo cáo chính trị một số dự án, công trình cụ thể cần triển khai trong nhiệm kỳ tới như xây dựng thêm một bệnh viện nhi riêng của thành phố Hà Nội...

Thay mặt Tiểu ban Văn kiện tiếp thu các ý kiến góp ý tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá, nhiều ý kiến đóng góp rất thẳng thắn, xây dựng, tâm huyết và rất có giá trị.

"Tiểu ban Văn kiện sẽ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ từng ý kiến góp ý tại hội nghị hôm nay để rà soát, xem xét, so sánh, đánh giá, làm căn cứ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025" - ông Phong nói.

Với một số vấn đề được các đại biểu nêu ra, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng đã có những trao đổi, giải trình cụ thể để các đại biểu hiểu rõ hơn. Trong đó, ông Phong cho biết, sau khi tổ chức lấy ý kiến, Ban biên tập sẽ rút gọn độ dài của báo cáo chính trị từ 70 trang như dự thảo hiện nay xuống còn khoảng 64-65 trang...