Hà Nội nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội thiết thực tới người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc tuyệt đại đa số người dân hiện sinh sống ở Hà Nội ủng hộ chủ trương giãn cách xã hội bằng cách thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP đã góp phần quan trọng để thành phố kiểm soát tình hình dịch bệnh Covid-19. Thành phố đã triển khai những chính sách, hỗ trợ an ninh xã hội kịp thời và thiết thực nhằm chia sẻ khó khăn với những người bị ảnh hưởng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Các địa phương ở Hà Nội đã tổ chức các siêu thị 0 đồng để hỗ trợ những người lao động - người nghèo khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh

Các địa phương ở Hà Nội đã tổ chức các siêu thị 0 đồng để hỗ trợ những người lao động - người nghèo khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh

Chăm lo sức khỏe, đời sống của người dân là quan trọng nhất

Thành phố Hà Nội đã bước sang tuần thứ tư thực hiện giãn cách xã hội bằng cách thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP nhằm phòng, chống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường. Có thể nói, những biện pháp đúng đắn của Thành phố cùng với sự ủng hộ, tuân thủ nghiêm của tuyệt đại đa số người dân đã giúp kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, các ca nhiễm mới đang có xu hướng giảm, đặc biệt là các ca bệnh ngoài cộng đồng, để hướng tới mục tiêu cơ bản kiểm soát dịch bệnh Covid-19 vào ngày 25-8 tới theo Nghị quyết 86 của Chính phủ.

Sự ủng hộ và chung sức đồng lòng với Thành phố trong việc phòng, chống dịch Covid-19 là những nỗ lực, cố gắng rất lớn của người dân. Việc thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc “người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” để đảm bảo hiệu quả, khống chế sự lây lan, kiểm soát trong thời gian giãn cách xã hội” đã ảnh hưởng lớn tới không chỉ sinh hoạt thường nhật mà cả sinh kế của không ít người dân, nhất là những người lao động thời vụ, người hoàn cảnh khó khăn…

Thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội, toàn bộ các dịch vụ thiết yếu trên địa bàn thành phố song lại là kế sinh nhai của không ít người dân đã phải dừng hoạt động như dịch vụ ăn uống, cắt tóc gội đầu, xe ôm truyền thống, bán rong, bán dạo… Điều này đã ảnh hưởng tới thu nhập của nhiều người và nhiều gia đình. Cùng với đó, việc thực hiện cách ly y tế đối với các “vùng đỏ” có nhiều ca mắc Covid-19 đã trực tiếp ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng nghìn hộ gia đình.

Đồng cảm, chia sẻ khó khăn của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, nhất là đối với các hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng yếu thế, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Thành phố luôn đặt nhiệm vụ bảo đảm an sinh, chăm lo sức khỏe, đời sống của người dân là quan trọng nhất. Người lãnh đạo cao nhất của Thành phố khẳng định, đã yêu cầu từng cấp, từng ngành phải quan tâm, chăm lo thật tốt đời sống nhân dân khi thực hiện giãn cách xã hội, không để người dân thiếu đói, người khó khăn mà không được giúp đỡ, người ốm, đau mà không được chữa trị kịp thời.

Bí thư Thành ủy nêu rõ, ngoài 12 nhóm đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ, Hà Nội còn có những chính sách riêng để hỗ trợ người dân. Trước mắt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy triển khai hỗ trợ 3.180 hộ nghèo, mỗi hộ một suất quà trị giá 1 triệu đồng. Thành phố cũng yêu cầu các địa phương trên cơ sở tự cân đối nguồn lực, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể chủ động chăm lo, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn.

Thành ủy Hà Nội cũng đã yêu cầu tiếp tục rà soát, đề xuất thành phố ban hành bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch và người dân, nhất là các đối tượng khó khăn. Bí thư Thành ủy tin rằng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua, Thành phố Hà Nội chắc chắn sẽ cùng cả nước đẩy lùi Covid-19.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Nhằm triển khai kịp thời, thiết thực các biện pháp, hỗ trợ người dân để đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian giãn cách xã hội, HĐND Thành phố Hà Nội ngày 13-8 đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND quy định một số chính sách đặc thù của thành phố hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nghị quyết quy định một số chính sách đặc thù của Thành phố hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do dịch Covid-19 (chưa được quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21-7-2021 của UBND Thành phố Hà Nội).

Theo đó, có khoảng trên 324.000 đối tượng được hỗ trợ chính sách đặc thù của Thành phố Hà Nội, với tổng kinh phí dự kiến là 345 tỉ đồng. 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù của TP Hà Nội, bao gồm: hộ nghèo; hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng; đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp nhận vào trung tâm bảo trợ xã hội nhưng đang sống tại gia đình, chưa vào lại trung tâm do ảnh hưởng của Covid-19; người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19; người lao động làm việc tại hộ kinh doanh chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT...; người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục…; nhóm đối tượng ở lớp mẫu giáo độc lập tư thục phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan Nhà nước về phòng, chống dịch Covid-19.

Mức hỗ trợ từ 1 triệu tới tối đa 3 triệu đồng cho mỗi người/hộ gia đình/đối tượng. Ngoài việc ban hành chính sách đặc thù, UBND TP Hà Nội bổ sung 500 tỷ đồng ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nội để người lao động và người sử dụng lao động được vay vốn phục hồi kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội.

Bên cạnh hỗ trợ trực tiếp cho những người dân bị ảnh hưởng, gặp khó khăn bởi dịch bệnh, Thành phố cũng đã quyết định giảm 15% tiền nước sạch sinh hoạt cho tất cả các hộ dân trong thời gian 4 tháng cuối năm 2021. Hỗ trợ để giảm giá 100% cho các trường hợp: Các cơ sở cách ly, khám, chữa bệnh tập trung bệnh nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố; các hộ dân thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, ngày 14-8, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 2647/UBND-KGVX về hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh không có nơi cư trú trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Theo đó, Thành phố yêu cầu thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”, linh hoạt, sáng tạo trong việc chăm lo, hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho người lao động ngoại tỉnh gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 không có nơi cư trú. Nhiều địa phương trong địa bàn Thành phố những ngày qua đã tổ chức các “Siêu thị 0 đồng” để hỗ trợ trực tiếp cho những người dân, người lao động gặp khó khăn.