Hà Nội "Những năm tháng không quên" với các bức ảnh của tác giả Đào Trình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ở cái tuổi hiếm, gần 90, nhà nhiếp ảnh Đào Trình, người lưu giữ lịch sử Hà Nội thời kháng chiến vừa ra mắt cuốn sách ảnh "Những năm tháng không quên". Ông cho biết, dù có khoảng thời gian cầm máy dài lâu nhưng cho tới thời điểm này, ông mới dám làm cuốn sách ảnh tổng kết một chặng đường hoạt động của mình.

Nhà nhiếp ảnh Đào Trình có cơ duyên đến với nhiếp ảnh từ khá sớm. Năm 16 tuổi, ông đã làm việc tại Phòng ảnh của Liên khu 3, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Nhưng đến năm 1953, do mẹ bị mất trong một trận ném bom, ông đã trở ra Hà Nội chịu tang mẹ và làm việc trong một hiệu ảnh lớn của Thủ đô.

Năm 1954, đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô. Từ đó, ông làm phóng viên ảnh của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội và sau đó kinh qua nhiều cơ quan khác nhưng đều gắn bó với nhiếp ảnh.

Chính khoảng thời gian ở Hà Nội từ năm 1954 đến năm 1967 đã giúp ông sở hữu nhiều bức ảnh đắt giá về Thủ đô như hình ảnh của những người lính cụ Hồ hân hoan trong niềm vui chiến thắng, về khu tập thể Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Bách Khoa của những ngày đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc.....

Cuốn sách ảnh "Những năm tháng không quên" của tác giả Đào Trình

Cuốn sách ảnh "Những năm tháng không quên" của tác giả Đào Trình

Thế còn lý do, tới thời điểm này mới công bố các bức ảnh về Hà Nội thời kháng chiến chống Mỹ không được ông tiết lộ cụ thể. Nhà nhiếp ảnh này lấp lửng chia sẻ, không dễ gì để ra được cuốn sách vì chỉ riêng việc lựa ảnh và tìm ra các bức ảnh thật sự đắt giá trong kho ảnh cũng tốn nhiều sức lực. Còn ông với đồng lương hưu tuổi già cũng phải cân nhắc nhiều lắm.

Vượt lên trên những khó khăn của một tay máy cao niên, ông đã hoàn thành cuốn sách trong sự háo hức chờ đón của những người yêu Hà Nội và gắn bó với mảnh đất nghìn năm văn hiến. 120 bức ảnh là những khoảnh khắc không bao giờ trở lại và là bóng dáng của Hà Nội hiên ngang, oai hùng, đầy kiêu hãnh nhưng cũng rất đỗi giản dị.

Nhà nhiếp ảnh Lê Xuân Thăng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nhận xét, những ai đã từng sống ở Thủ đô thập niên 60 của thế kỷ trước, hẳn khó thể quên hình ảnh những cô gái gánh mũ rơm bán cho người Hà Nội (1964), những tiếng loa công cộng thông báo máy bay địch đã đi xa để cuộc sống trở lại bình yên...

Qua cách nhìn ấm áp, giàu giai điệu cảm xúc của nhà nhiếp ảnh Đào Trình, kỳ diệu thay, trong những năm tháng gian lao, vất vả vừa bước vào xây dựng CNXH vừa chi viện cho chiến trường miền Nam đấu tranh giải phóng, ánh sáng của tình yêu vẫn hiện diện hoặc ấn giấu lấp lánh trong mỗi bức ảnh, tạo thành động lực để con người kiên cường vượt qua biến cố, thiên nhiên khắc nghiệt hay bi kịch cuộc đời. Không chỉ có tình tương thân tương ái, đùm bọc xóm giềng mà ở mỗi hình tượng trong ảnh còn là bài ca về tình yêu quê hương, dân tộc.

Hồ Gươm năm 1959

Hồ Gươm năm 1959

Một bạn đọc giấu tên chia sẻ, cảm ơn người nghệ sĩ già đã lẳng lặng chụp và khiêm nhường dâng hiến "Những năm tháng không quên". Xem ảnh của ông khiến chị nhớ lại thời thơ ấu đuổi bướm bắt hoa, bắt tôm cá ven hồ Hoàn Kiếm, chạy chơi bên bến tàu điện ngay trước cửa Bưu điện Bờ Hồ.... Ký ức đó luôn đẹp dù tuổi thơ có gian khó.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Trình hiện nay đang sống ở Đồng Nai. Đôi tai của ông không còn thính, đôi mắt đã mờ. Nói chuyện với ông thường phải nhắc lại câu hỏi đến vài lần. Thế nhưng, Đào Trình lại rất nhiệt thành kể chuyện. Ông cho biết, trong kho ảnh của mình, ông còn sở hữu nhiều bức ảnh rất quý về Hà Nội và những ngày tháng kháng chiến của quân đội Việt Nam bên đất bạn Lào. Ông rất muốn chia sẻ những tấm ảnh này tới nhiều người xem. Tuy nhiên, với tình trạng xâm phạm bản quyền ảnh như hiện nay khiến ông có phần e ngại.

Hơn thế, một số bảo tàng trong nước ngỏ ý muốn sở hữu số ảnh này, nhưng ông đang cân nhắc do nhuận ảnh chi trả cho tác giả chưa tương xứng với giá trị lịch sử của các tác phẩm ảnh. Vậy nên, ông vẫn lưu giữ tại gia đình và chờ một dịp thích hợp sẽ công bố.

Nhà nhiếp ảnh Đào Trình tên thật là Đào Văn Trình, sinh năm 1934. Quê quán: Xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ông từng nhận Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Vì sự nghiệp Văn hóa Thông tin cùng nhiều huân chương cao quý khác.....