Nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo:

Hà Nội như... người tình

ANTD.VN - Đúng hẹn, sau triển lãm “Ký ức làng”, “Ký ức phố”, Nguyễn Hữu Bảo ra mắt “Ký ức về Hà Nội”. Chỉ có điều, lần này, ông đã ra hẳn một cuốn sách ảnh ký sự về Hà Nội trong 40 năm mang tên “Hà Nội dấu yêu”, một cuốn sách không thể lướt nhanh vì mỗi bức ảnh là một khoảng lặng về Thủ đô của những ngày xưa yêu dấu.

Theo đuổi suốt cuộc đời

Trung thành với hai màu đen trắng, cuốn sách ảnh “Hà Nội dấu yêu” chất chứa nhiều kỷ niệm của Hữu Bảo với nơi ông đã sinh ra và lớn lên. Nhà nhiếp ảnh cho biết, ông không còn trẻ nên thích tìm về những gì xưa cũ, như một nhà khảo cổ lần tìm lại quá khứ từ những tàn tích còn sót lại. Hữu Bảo đã lục lại trong kho ảnh từ ngày ông mới bắt đầu vào nghề (1973), để tuyển lựa những bức ảnh giữ hồn của Hà Nội một thời. Ngày Hữu Bảo mới đến với nhiếp ảnh, chụp được một bức ảnh có nét, có hình, đã được coi như một công trình bởi tất cả các khâu từ lấy nét, chỉnh khẩu độ sáng, bấm máy, tráng phim, rửa ảnh đều làm thủ công. Một cuộn phim chụp xong, có khi không lấy được tấm ảnh nào cũng chẳng phải chuyện lạ. 

Sau này, khoảng những năm 1990, ảnh màu ùa vào, tất cả mọi người đều ngạc nhiên, sung sướng và Hữu Bảo cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Nhưng sau ông nhận ra, ảnh màu tuy có làm người ta choáng ngợp ngay từ cái nhìn đầu tiên nhưng hai sắc đen trắng lại có cái duyên thầm ẩn sâu và vô cùng lãng mạn. Vì thế, dù những bức ảnh về Hà Nội trong cuốn sách được chụp bằng ảnh màu, Hữu Bảo cũng đưa nó trở về hai màu cơ bản trong nhiếp ảnh. Ở đó, ông đã nhìn Hà Nội như người yêu của mình, người ông đã theo đuổi suốt cuộc đời. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái thì đó là những khoảnh khắc rất khó khăn mới có được, bởi Hà Nội ngày nay đã xô bồ hơn, nếu không yêu, không đắm đuối với người tình, ông sẽ chẳng tìm  thấy nguồn cảm xúc để tiếp tục tìm kiếm và bấm máy. 

Hà Nội như... người tình ảnh 2“Bình minh” chụp năm 2006

Hà Nội như... người tình ảnh 3“Phố Hàng Giấy” chụp năm 1980

Hà Nội như... người tình ảnh 4“Ở phủ Tây Hồ” chụp năm 2000

Những khoảnh khắc tâm trạng

Là phóng viên ảnh của tạp chí Xưa và nay và bạn bè của ông cũng là các nhà sử học, các nhà nghiên cứu văn hóa nên quá trình Hữu Bảo chụp ảnh về Hà Nội cũng chịu tác động của góc nhìn xã hội và lịch sử. Theo ông, một bức ảnh đẹp phải có tiếng nói về một vấn đề xã hội nhất định, chứ nếu chỉ sở hữu cái đẹp duy mỹ thì nên thẳng tay loại bỏ. Chắc thế, nên trong cuốn sách “Hà Nội dấu yêu” không có một bức ảnh phong cảnh nào thuần mỹ về Thủ đô. Tất cả đều là ảnh mang đề tài xã hội, thậm chí phảng phất nỗi đau riêng của tác giả. Quan điểm này của Nguyễn Hữu Bảo khi sáng tác khiến ông không có nhiều bạn trong giới. Nhưng đây là bài học ông đã rút ra sau một lần suýt bỏ nghề vì trống rỗng, hoang mang. 

Cách đây đã lâu, khi ấy, ông đã là một tay máy có chỗ đứng trong giới nhiếp ảnh, được mời đi theo đoàn các nhà nhiếp ảnh trẻ của kênh truyền hình National Geographic đến nhiều vùng của đất nước. Một chiều hoàng hôn, đoàn phim dừng chân, và cũng giống như các nhà nhiếp ảnh khác của Việt Nam, Hữu Bảo giơ máy lên và chụp cảnh sắc đang hiện ra trước mắt rồi đem khoe với nhà nhiếp ảnh của đoàn làm phim. Vị khách này không những không khen mà còn chỉ cho ông biết, bức ảnh đẹp thì có đẹp nhưng không có nghĩa. Sau chuyến đi ấy, Hữu Bảo đã rất hoang mang vì bao kiến thức tích lũy bỗng dưng sụp đổ chỉ vì một câu nói rất trúng. Cũng kể từ đó, sự nghiệp nhiếp ảnh của ông đã sang một trang mới bằng việc tập trung cho các đề tài xã hội. 

Trở lại với cuốn sách ảnh “Hà Nội dấu yêu”, Nguyễn Hữu Bảo đã đi tìm những gì ông đi qua, đã sống trong 40 năm. Đó là một Hà Nội cần lao của lớp người trung lưu được thể hiện qua cái nhìn đầy tâm trạng. Hay nói cách khác, “Hà Nội dấu yêu” là cuốn nhật ký giúp các thế hệ đi sau hiểu về lớp người đi trước của Thủ đô. Với cách nói đầy văn chương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, Nguyễn Hữu Bảo đã ghi lại những khoảng mơ hồ, thanh tĩnh và yên bình nhất về Hà Nội. Cuốn sách cho thấy một Hà Nội trôi dạt, thỉnh thoảng hiện lên trong những con ngõ, biến mất trong sự đau đớn và mang đầy thân phận. Do vậy, cuốn sách ra đời còn để nhắc nhở mỗi người Hà Nội hãy giữ lại cái cốt cách của người Tràng An và níu giữ những gì còn sót lại của quá khứ.