Hà Nội nhìn từ trên cao

ANTD.VN - Bây giờ thì Hà Nội có nhiều nhà cao tầng rồi, thậm chí nhà chọc trời cũng không thiếu. Nhưng khó ai hình hung được Cột cờ Hà Nội và Nhà thờ Lớn đã từng là những công trình kiến trúc cao nhất thành phố trong một thời gian rất dài.

1. Tôi có một suy nghĩ thế này, trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, chúng ta hầu như chỉ có thể nhìn mọi thứ từ dưới lên hoặc nhìn ngang bằng. Nghĩa là, chúng ta chủ yếu “ngước nhìn” chứ hiếm khi có điều kiện “nhìn xuống”. Rồi người ta phát minh ra máy bay, loài người đã có thể nhìn xuống dưới, nhưng máy bay thì tốc độ quá nhanh và tầm nhìn hạn chế, chúng ta lướt qua những hình ảnh dưới mặt đất vội vàng, không rõ nét. Đến khi những toà nhà cao tầng và chọc trời ra đời, người ta có thể thoả mãn khát vọng được nhìn xuống, nhìn ngắm thành phố của mình từ trên cao và có thể giật mình vì những quang cảnh đầu tiên được chứng kiến.

Tôi chắc chắn rằng, những ai quen nhìn Hà Nội ngước lên hoặc ngang bằng, lần đầu chắc chắn sẽ rất ấn tượng khi được nhìn Hà Nội ở trên cao, rất cao với hình ảnh rõ nét và bao trùm. Hóa ra Hà Nội ở trên cao có một hình ảnh khác hẳn. Nó đẹp và quy củ hơn rất nhiều so với tầm nhìn ở điểm thấp.  Tôi đã nhiều lần đứng trên các chung cư cao tầng, khách sạn lớn, hoặc các tháp chọc trời của thành phố để ngắm phong cảnh. Lần đầu là ngạc nhiên, thậm chí sững sờ, những lần sau vẫn thích thú. Hoá ra bất cứ cái gì có thể nhìn từ trên cao dường như cho một vẻ đẹp hơn hẳn so với ở dưới.

Những mái ngói lụp xụp, bạc phếch của phố cổ ư? Nhìn trên cao rọi xuống thấy nó phiêu diêu và cổ điển như tranh thuỷ mặc. Những xập xệ, tồi tàn không còn  nữa, chỉ thấy những khối lô xô rất tượng hình và gây một cảm giác đặc biệt. Những hình ảnh này lâu nay tôi thấy trong tranh Bùi Xuân Phái, giờ thì được chiêm ngưỡng ở những góc rất thuận tiện cho hội họa và nhiếp ảnh. Hóa ra chỉ cần những góc nhìn khác, điểm đứng khác có thể khiến một khung cảnh có vẻ bình thường trở thành một thứ lãng mạn và hấp dẫn.

2. Còn ở những khu chung cư cao tầng mới được xây dựng, đứng ở một điểm cao hơn sẽ thấy những khối nhà như những bao diêm xinh xắn và thẳng tắp. Nhìn ngang, hoặc nhìn lên trông khá bình thường, nhưng nhìn xuống thấy thành phố dường như hiện đại hơn. Người đi đường nhỏ như ngón tay, không nghe thấy tiếng ồn của xe cộ, không nghe thấy tiếng người cãi vã mua bán, không ngửi thấy mùi khói, không thấy lá rơi trên hè phố. Ở trên trông xuống, thành phố như một bức tranh với sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối. Ta đã ở một điểm rất cao, rất xa mặt đất và tránh được những nhược điểm của nó. Có một thời người ta không thích ở các tầng cao, nhưng từ khi kĩ thuật xây dựng hiện đại được áp dụng, tiện nghi, an toàn và thuận lợi hơn, thì nhiều người thích ở trên cao do thoáng mát và có “view đẹp” để ngắm thành phố.

Có ai từng để ý đến màu sắc của các mái nhà trong thành phố chưa? Tôi chắc là ít người quan tâm đến điều đó. Và trong những lần lên cao đầu tiên, tôi ngạc nhiên rút ra kết luận, người Hà Nội rất thích màu đỏ! Khi ngắm những khu dân cư, hầu như các mái nhà đều có màu đỏ của tôn, của ngói là chủ yếu, thỉnh thoảng mới điểm xuyết màu xanh và màu nâu. Những màu đỏ nổi bật trên nền xanh là những tán cây được trồng xen kẽ quanh các khu nhà. Nếu có một bức ảnh chụp xuống giữa ban ngày thì ai cũng thấy màu đỏ được cư dân thành phố yêu thích đến thế nào, và có lẽ nó  bắt nguồn từ truyền thống rất lâu đời.

Nói ban ngày vì tôi vì tôi muốn phân biệt rằng, ban đêm nhìn từ Hà Nội từ trên cao sẽ rất khác. Ban ngày là ngói đỏ, cây xanh, còn ban đêm là ánh đèn rực rỡ. Bất kì thành phố nào cũng đẹp hơn về ban đêm vì bóng tối giúp che khiếm khuyết và ánh sáng phô bày vẻ đẹp. Vào ban đêm nhìn xuống không thấy màu sắc các mái nhà nữa, chỉ thấy những ánh đèn lấp lánh từ cửa sổ và ấn tượng nhất là các khu chung cư cao tầng. Các tòa nhà công sở ban đêm người ta tắt điện, chung cư thì bật đèn, nhìn từ trên cao những khối nhà sáng đèn trông như những khối hình đồ chơi của trẻ em, bắt mắt và sặc sỡ. Những con đường ban ngày thì bụi bặm, chật chội, ồn ã… nhưng ban đêm, chúng loang loáng như những dải sáng vô tận và quanh co.

3. Tôi muốn dành một khoảng cho sông Hồng. Người ta đi qua sông Hồng nhiều rồi, nhưng nhìn sông Hồng từ trên cao mới thấy hết vẻ đẹp của dòng sông hùng vĩ này. Nhìn trên máy bay thì thấy sự bao bọc con sông với thành phố và hiểu tại sao thành phố có tên là Hà Nội (thành phố trong những con sông). Nhưng cũng chẳng cần trên máy bay, chỉ cần một tầm cao nào đó từ các ngôi nhà cao tầng cũng thấy sự mềm mại, dịu dàng của con sông. Trên cao có thể thấy được màu đỏ của phù sa, khoảng bát ngát của những cánh đồng. Trên cao mới thấy thành phố không hoàn toàn là nhà, là phố, bởi ven sông Hồng vẫn có những khoảng xanh thẳm của vườn tược hay những chân trời ngút ngát.

Tôi ấn tượng với những cây cầu bắc qua sông Hồng và tôi đã từng ngắm dòng sông quanh năm đỏ phù sa ở một toà nhà ngay chân cầu Long Biên. Không gian khoáng đạt, cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì lần lượt gần xa trong tầm nhìn. Ấn tượng nhất vẫn là cầu Long Biên với những dầm thép vươn cao độc đáo. Từ trên cao ta mới có thể chiêm ngưỡng và thấy hết vẻ đẹp diễm lệ, cổ kính của cây cầu cổ nhất thành phố. Bạn đã bao giờ nhìn Hà Nội từ trên cao chưa, hãy thử một lần để có những trải nghiệm thú vị về thành phố của mình.