Hà Nội: Nhiều chợ, siêu thị tạm ngừng hoạt động do liên quan Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đến sáng nay (2-8), nhiều chợ lớn và siêu thị, cửa hàng tiện ích bán các mặt hàng thiết yếu tại Hà Nội đã tạm thời đóng cửa do liên quan đến ca nhiễm Covid-19.
Siêu thị Co.op Mart Hà Đông tạm thời đóng cửa vì liên quan đến ca mắc Covid-19

Siêu thị Co.op Mart Hà Đông tạm thời đóng cửa vì liên quan đến ca mắc Covid-19

Tối 1-8, khu vực bán thủy hải sản của chợ đầu mối Long Biên tạm thời bị phong tỏa vì liên quan đến ca mắc Covid-19. Đây là một trong những chợ đầu mối lớn nhất của Hà Nội nên việc phong tỏa này cũng gây ảnh hưởng nhất định đến hoạt động cung ứng hàng hóa.

Trước đó, ngày 31-7, chợ Phùng Khoang (Trung Văn- Nam Từ Liêm)- một trong những chợ lớn tại Hà Nội chuyên bán buôn cũng tạm ngừng kinh doanh vì có F0 kinh doanh tại đây. UBND phường Trung Văn cho biết, người dân khu vực Phùng Khoang sẽ được phát phiếu mua nhu yếu phẩm tại chợ dân sinh tổ 18 phường Trung Văn và chợ dân sinh khu thương mại dịch vụ Trung Văn.

Tại Hà Nội, chợ đầu mối phía Nam (chợ Đền Lừ) là chợ lớn đầu tiên tại Hà Nội bị phong tỏa, tạm ngừng kinh doanh do có ca bệnh mắc Covid-19. Việc các chợ đầu mối lớn tại Hà Nội lần lượt đóng cửa tạm thời khiến người dân lo lắng về việc sẽ khan hiếm thực phẩm thiết yếu, phục vụ bữa ăn hằng ngày.

Trong khi các chợ lớn tạm đóng cửa thì nhiều chợ dân sinh phục vụ khu dân cư nhất định cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chợ Đồng Xa (Cầu Giấy) cũng có ca bệnh tới mua bán hàng hóa. Một số chợ nhỏ khác, tiểu thương bán hàng thiết yếu lo sợ dính dịch nên dù chợ mở cửa nhưng người kinh doanh cũng tự nghỉ.

Không chỉ lần lượt các chợ tại Hà Nội tạm ngừng hoạt động, mà một số siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng trong tình trạng trên. Co.op Mart Hà Đông đã phải tạm đóng cửa từ vài ngày trước vì có ca mắc Covid-19 đến mua hàng. Khu vực Tây Hồ, Bắc Từ Liêm, một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng tạm nghỉ do dịch bệnh.

Tối 1-8, sau khi có thông tin nhiều nhân viên của Công ty Thanh Nga (Minh Khai- Hai Bà Trưng) dương tính với SARS-CoV-2- công ty này giao hàng cho hàng chục siêu thị, cửa hàng tiện ích của VinMart/VinMart+, BGR Retail tại Hà Nội, người dân càng lo lắng về việc sẽ không được đảm bảo nhu yếu phẩm trong những ngày tới.

Chị Thùy Dương (Đống Đa- Hà Nội) cho biết: “Giờ chúng tôi đi siêu thị, cửa hàng tiện ích thì lo ngại có F0. Trong khi đó, chợ phát phiếu theo giờ. Người dân mua nhiều hơn, thời gian mua được ngắn hơn, lượng hàng hóa tại các chợ cũng ít hơn khiến chúng tôi sốt ruột”.

Là chủ tiệm tạp hóa có kinh doanh nhiều mặt hàng thiết yếu, chị Thanh Hoa (Cầu Giấy- Hà Nội) cho hay: “Mấy ngày nay, tôi gọi hàng rất khó. Các loại mì ăn liền và bột canh chỉ lấy được vài gói, hàng về đến đâu hết sạch luôn đến đó”.

Thông tin về việc các ca bệnh giao hàng cho hệ thống VinMart/VinMart+ liệu có ảnh hưởng gì đến hoạt động của các cửa hàng hay không, đại diện VinCommerce cho biết: “Công ty Thanh Nga là nhà cung cấp thịt cho một số siêu thị/cửa hàng của VinCommerce tại khu vực Hà Nội. Ngay khi nhận được thông tin xác định các ca F0 liên quan nhà cung cấpThanh Nga, VinCommerce đã dừng nhận hàng từ nhà cung cấp này”.

Hiện tại, siêu thị đang tích cực phối hợp cùng cơ quan chức năng để khoanh vùng, truy vết, thực hiện tất cả các biện pháp phòng dịch.

“Thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về danh sách hàng trăm siêu thị/cửa hàng thuộc VinCommerce có tiếp xúc F0 của nhà cung cấpThanh Nga và nguy cơ lây nhiễm không phải là thông tin chính thống từ VinCommerce cũng như các cơ quan chức năng công bố. Điều này gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch”- đại diện VinCommerce nhấn mạnh.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn TP có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa. Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, TP cũng đã rà soát, bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng hóa, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

Sở Công Thương Hà Nội cũng công bố các kịch bản cung ứng hàng hóa căn cứ theo mức độ lây lan của dịch theo 3 cấp độ. Tuy nhiên, trong các phương án này chưa có thông tin cụ thể về việc nếu chính các chợ, siêu thị buộc phải tạm ngừng hoạt động thì hoạt động cung ứng hàng hóa được thay đổi như thế nào để người dân yên tâm.