Hà Nội: Người dân tự giám sát, ao hồ "chết" lại hồi sinh

ANTD.VN - Từng là ao tù nước đọng, chứa nhiều rác thải, đến nay ao Dài (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã không còn ô nhiễm, mặt nước trong xanh trở lại... Sự thay đổi tích cực đó đến từ hiệu quả của mô hình Tổ giám sát ô nhiễm môi trường nước với sự tham gia của chính những người dân mà đời sống gắn liền với ao này…

Hà Nội: Người dân tự giám sát, ao hồ "chết" lại hồi sinh ảnh 1

Ao Dài đang hồi sinh, xanh trong trở lại

Bức xúc lâu năm

Chia sẻ với phóng viên, ông Hứa Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Mễ Trì không giấu vẻ bức xúc khi nói về sự ô nhiễm môi trường tại ao Dài trước kia. Ao có diện tích khoảng 8.000m2, được xem là "lá phổi" của phường. Trước đây ao rất xanh trong, trẻ con bơi lội được. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa, ý thức người dân chưa cao nên tình trạng vứt rác xuống ao khá phổ biến.

Mặc dù, ao đã được kè và địa phương thường xuyên nạo vét nhưng vẫn không xuể. Ông Đỗ Huy Cường, người dân sống tại tổ dân phố số 2 Mễ Trì Hạ chia sẻ, do chợ cóc họp xung quanh ao nên hàng ngày, bà con họp chợ xong đều xả rác thẳng xuống ao gây ô nhiễm trầm trọng.

Không riêng gì ao Dài, rất nhiều ao, hồ trên địa bàn quận Nam Từ Liêm cũng chịu cảnh tương tự. Theo ông Nguyễn Đình Bách, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Nam Từ Liêm, trên địa bàn quận có hai hệ thống sông lớn chảy qua là sông Nhuệ, sông Cầu Ngà có chức năng tiêu thoát nước và cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp, ngoài ra còn có hệ thống 45 ao, hồ lớn nhỏ có chức năng như các hồ điều hòa.

Kết quả quan trắc đánh giá chất lượng nước mặt nhiều năm qua cho thấy, chất lượng nước mặt của quận bị ô nhiễm ở nhiều điểm. Nguyên nhân chính là do nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư, nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề và rác thải không được xử lý, xả trực tiếp xuống sông, ngòi, kênh, mương, ao, hồ gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, sức khỏe của người dân…

Nhân rộng mô hình hay

Đứng trước thực trạng ao, hồ ngày một "chết" dần, lãnh đạo quận quyết tâm phải cải thiện môi trường, cảnh quan, đồng thời nâng cao ý thức của người dân. Theo ông Bách, quận quyết định chọn ao Dài để triển khai với mục tiêu là huy động sự tham gia và nâng cao nhận thức của người dân. Với sự hỗ trợ của Trung tâm Môi trường và phát triển cộng đồng, dự án phát triển mô hình cộng đồng tham gia giám sát ô nhiễm nước mặt tại Hà Nội, triển khai từ tháng 8 đến tháng 12-2016 đã mang lại kết quả rất tốt.

UBND phường Mễ Trì đã thành lập Tổ giám sát ô nhiễm môi trường nước, gồm các thành viên là đại diện Hội Phụ nữ, Thanh tra nhân dân, Bảo vệ tổ dân phố, Tổ trưởng tổ dân phố, người dân sống chung quanh ao... đảm nhận vai trò tiên phong trong các hoạt động giám sát ô nhiễm nước tại ao Dài.

Tổ giám sát đã được tập huấn về giám sát ô nhiễm nước cho cộng đồng tại phường Mễ Trì, hướng dẫn cách kiểm soát nguồn thải vào ao; cách đánh giá nhanh chất lượng nước qua màu sắc của nước, mùi; cách xác định đo một số thông số chất lượng nước đơn giản như độ pH, nhiệt độ nước...

Sau khi đã được trang bị kiến thức, kỹ năng cũng như các phương tiện, Tổ giám sát cộng đồng tiến hành các hoạt động tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường. Định kỳ sáng thứ Bảy hàng tuần, tổ vận động người dân sống chung quanh ao tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường ở khu vực, vớt rác thải trong ao. Các hộ dân cam kết tự giác chấp hành, nhắc nhở người khác cùng tuân thủ quy định không xả rác thải xuống ao, không bán hàng lấn chiếm lòng, lề đường...

Cùng với đó, chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nước ao bằng chế phẩm sinh học Redoxy-3C và thả bè thủy sinh. Chỉ sau một thời gian ngắn, ao Dài đã sạch đẹp hơn, trở thành địa điểm vui chơi, tập thể dục của người dân trong vùng.

“Khi mọi người đều chung tay thì không khó để ao xanh trong trở lại. Đây là cách làm hiệu quả, cũng không khó khăn, tốn kém gì và rất nên nhân rộng”, bà Lê Thị Đường, tổ dân phố số 2, Mễ Trì Hạ nói.

Từ hiệu quả của mô hình thí điểm cộng đồng tham gia giám sát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước ở ao Dài, năm 2017, quận Nam Từ Liêm sẽ tích cực nhân rộng mô hình này tại nhiều ao hồ như địa bàn như: Ao Đình (Mễ Trì); ao Quán đá (Mỹ Đình 2); ao Chuôm xanh (Trung Văn); ao Bồ đề (Tây Mỗ); ao Liên cơ (Đại Mỗ)…