Hà Nội: Người dân đổ xô ra siêu thị mua hàng tiêu dùng thiết yếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Tối nay (18-7), sau khi Hà Nội chỉ đạo dừng tất cả dịch vụ không thiết yếu từ 0 giờ ngày 19-7, nhiều người dân Thủ đô đổ xô ra siêu thị mua hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Sở Công Thương Hà Nội khẳng định đủ hàng hóa cung cấp, người dân không nên hoang mang, mua hàng tích trữ.
Người dân mua đầy xe hàng tại siêu thị Big C Thăng Long

Người dân mua đầy xe hàng tại siêu thị Big C Thăng Long

Từ chiều nay, tại siêu thị MM Mega Market và Vinmart Phạm Văn Đồng, người mua đông hơn thường lệ. Tuy nhiên, hàng hóa tại siêu thị vẫn đầy đủ và chưa có biến động về giá. Khách hàng đến siêu thị có đeo khẩu trang theo quy định.

Trong khi đó, tại một số chợ dân sinh như: chợ Bưởi, chợ Thành Công, mặt hàng thịt lợn rất ít, thậm chí có lúc “cháy hàng”.

Tại siêu thị Big C Thăng Long tối 18-7, người mua rất đông, đặc biệt tại khu vực sữa tươi, sữa chua, thực phẩm khô. Khu vực thanh toán, khách cũng xếp hàng dài, phải 20 phút mới đến lượt. Dù khách đến siêu thị đều đeo khẩu trang song do lượng người đông nên có nhiều lúc không đảm bảo khoảng cách.

Ghi nhận cho thấy, đến thời điểm tối 18-7, mức bán hàng tại hệ thống BRG Mart tăng gấp 2 lần so với thông thường. Bên cạnh kênh mua hàng trực tiếp, hệ thống siêu thị, Minimart thuộc BRGMART tiếp tục phát triển và đẩy mạnh các kênh mua sắm trực tuyến để phục vụ khách hàng như: đặt hàng qua App BRG Shopping, Hotline, Fanpage… và dịch vụ giao hàng tại nhà (áp dụng tại khu vực phía bắc).

Lúc 18h tại siêu thị AEON Hà Đông, lượng người mua khá nhiều, nhiều người xe hàng chất đầy. Nhiều khách hàng mua vài cân thịt và rất nhiều trứng.

“Hàng hóa tương đối dồi dào, có lúc thịt ở trên kệ còn ít nhưng sau đó được bổ sung thêm, dù chủng loại không phong phú như ngày thường. Chẳng hạn có thời điểm thịt chân giò hết sạch, không còn để bổ sung. Dù khách hàng đeo khẩu trang song người mua vẫn phải xếp hàng dài mới thanh toán được.

Tại siêu thị Co.opmart, lúc 20h, lượng người mua đông đúc hơn so với ngày thường nhưng chưa đột biến, chỉ tương đương với ngày cuối tuần bình thường. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Kim Dung- Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông (quận Hà Đông) cho biết, hàng hoá tại siêu thị vẫn phong phú, giá cả vẫn ổn định.

Tại siêu thị vẫn đang thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá để hỗ trợ tiêu dùng. Về khách hàng tới siêu thị thì đều nghiêm túc thực hiện đầy đủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Trước đó, chiều nay, tại buổi làm việc với Sở Công Thương Hà Nội, ông Khúc Tiến Hà- Giám đốc miền Bắc hệ thống siêu thị Vinmart cho hay, hệ thống bán lẻ này đã chuẩn bị lượng hàng thực phẩm thiết yếu tăng gấp 3 lần ngày thường, trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần so với ngày thường. Phía doanh nghiệp cũng đang tăng dự trữ các loại sản phẩm có thể dự trữ lâu như bí xanh, khoai tây…

Cũng theo đại diện Vinmart, các kho hàng của siêu thị đều đã chuẩn bị sẵn nguồn hàng, đặc biệt là kho hàng Bắc Ninh chỉ cách Hà Nội 2 tiếng vận chuyển nên nguồn hàng không lo đứt đoạn.

Tuy vậy, nhiều người tiêu dùng cho biết, tối nay, gian hàng trứng gia cầm của siêu thị Vinmart Nguyễn Chí Thanh đã trống trơn và rất lâu không thấy được bổ sung.

Nhằm chủ động cung ứng hoàng hóa thiết yếu cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, chiều ngày 18-7, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Thái Dũng- Tổng Giám đốc Công ty BRG Retail cho biết, doanh nghiệp đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa tại từng điểm bán lên khoảng 300%.

Theo bà Trần Thị Phương Lan- quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, đến thời điểm hiện nay, nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ để phục vụ người dân tăng từ 30-50%, nếu sức mua tăng nóng vài ngày thì nguồn hàng vẫn dồi dào.

Cũng theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn đảm bảo trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng.

Cụ thể, ngành Công Thương Hà Nội dự trữ 836.000 tấn gạo, 167.346 tấn thịt lợn, thịt trâu bò 48.150 tấn, 55.782 tấn thịt gia cầm, trên 1 triệu quả trứng gia cầm…

Căn cứ theo mức độ lây lan của dịch đã xác định tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo 3 cấp độ như sau: Cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên là 313,78 tỷ đồng; cấp độ 2 từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc là 1048,71 tỷ đồng; cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc là 5.359,05 tỷ đồng.

Đến nay, 100% UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch đảm bảo nguồn cung nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân ứng phó với dịch Covid-19 nên người dân có thể yên tâm, không cần mua hàng tích trữ.

Tại buổi làm việc với Sở Công Thương, đại diện các doanh nghiệp đề nghị tháo gỡ khó khăn liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa khi siết chặt phòng dịch như: quy định test Covid-19 cho lái xe; được cung cấp danh sách hợp tác xã sản xuất rau ăn lá trứng… để doanh nghiệp tiện thu mua, giảm qua trung gian, tránh nguy cơ tăng giá và đứt đoạn nguồn cung tạm thời.