Hà Nội: Người dân đặt thực phẩm online thay vì đi chợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Nhiều người dân trong “vùng đỏ, vùng cam” chọn cách mua hàng trực tuyến thay vì đi chợ, để tránh lây nhiễm dịch bệnh. Có đơn hàng được ship ngay lập tức, nhưng cũng có những đơn hàng cả tuần mới đến người nhận.
Người dân thực phẩm online được giao hàng tại chốt hoặc tại nhà

Người dân thực phẩm online được giao hàng tại chốt hoặc tại nhà

Là người dân sống trong “vùng đỏ”, chị Hoài Thương (Văn Miếu- Đống Đa) cho biết: “Từ ngày khu vực tôi sống phải cách ly, tôi đã đặt nhiều đơn hàng online, chủ yếu là hàng đông lạnh và trái cây tươi. Hàng đặt thường được ship tới luôn và nhận tại chốt. Tuy nhiên, các cửa hàng đang băn khoăn không biết từ ngày mai (8-9) còn ship được không vì còn vướng mắc về giấy đi đường”.

Theo chị Hoài Thương, nhiều cửa hàng trái cây tươi và đồ đông lạnh đã thông báo “xả hàng” ngày 6-9 và ship hàng xuyên đêm vì lo lắng từ ngày 8-9, việc vận chuyển đồ đến khách hàng sẽ khó khăn hơn.

Đặc biệt với mặt hàng trái cây tươi, thời gian bảo quản ngắn, cửa hàng muốn bán hết vì không biết thời gian tới sẽ kinh doanh thế nào.

“Theo quy định thì hôm nay (7-9), khu vực nhà tôi không được nhận hàng nên tôi không thể đặt đơn, mai thì có thể cửa hàng đã tạm đóng cửa. Nói chung cả người bán và người mua đều thấp thỏm, bất an. Dù shipper được hoạt động trong vùng đỏ nhưng tôi thấy hướng dẫn thực hiện còn phức tạp”- chị Hoài Thương nói.

Theo chị Thùy Minh (Hoàn Kiếm) thì một số đơn hàng thực phẩm chế biến sẵn mua từ các cửa hàng nhỏ lẻ vận chuyển rất chậm, cả tuần không đến. Trong khi đó, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) hiện tại được phép hoạt động có rất nhiều thực phẩm thiết yếu cho người dân lựa chọn, sàn vẫn nhận đơn nhưng ship rất lâu.

“Tôi đặt cân hành khô trên một sàn TMĐT mà 1 tuần sau mới đến. Vì thời tiết mưa nhiều, hành đóng hộp kín nên khi nhận đã mọc mầm hơn nửa”- chị Thùy Minh nói.

Để chuẩn bị cho đợt giãn cách xã hội lần thứ tư này, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, bên cạnh các hình thức mua hàng trực tiếp định kỳ 3 ngày/lần tại các chợ, các siêu thị, cửa hàng tiện ích thì người dân có thể lựa chọn hình thức mua hàng online.

Hiện trên địa bàn TP Hà Nội có 35 doanh nghiệp là các sàn TMĐT và 565 điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, nhờ đó giảm tải việc người dân đến trực tiếp các hệ thống phân phối, tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Tính đến ngày 31-8, có 51.111 xe ô tô được cấp Luồng xanh quốc gia; 26.133 xe máy được cấp mã QR của Sở GTVT Hà Nội. Ngoài ra, còn có nhiều xe của các quận, huyện, thị xã được huy động tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa (bình quân 5 xe/quận, huyện), hỗ trợ vận chuyển hàng hóa tới người dân.

Theo đại diện của Shopee, ngay sau khi các địa phương cho phép lực lượng giao hàng được hoạt động với điều kiện kèm theo, Shopee đã phối hợp với các đối tác vận chuyển để tăng cường số lượng nhân viên giao hàng cũng như các trang bị an toàn dành cho đội ngũ này.

Chỉ trong vòng mấy ngày đầu tháng 9-2021, số lượng đơn hàng thực phẩm của Shopee đã lên đến hàng trăm nghìn.

“Xu hướng chung là ngày càng nhiều người dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến tại các sàn TMĐT để đáp ứng nhu cầu hàng ngày”- đại diện Shopee nói.

Về nguồn cung hàng hóa, Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ người dân Thủ đô tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng nên người dân không cần lo lắng thiếu hàng, sốt giá.