Hà Nội: Người dân có thể mua hàng Tết Nhâm Dần ở đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hầu hết các chợ, trung tâm thương mại, điểm bán lẻ tại Hà Nội đã mở cửa trở lại sau đại dịch. Đây sẽ là điểm bán hàng Tết tại Thủ đô.
Doanh nghiệp đã lên phương án chuẩn bị hàng Tết Nhâm Dần

Doanh nghiệp đã lên phương án chuẩn bị hàng Tết Nhâm Dần

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các kênh bán hàng truyền thống tại Hà Nội gồm: 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 449 chợ, 1.800 cửa hàng tiện lợi và hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thị trấn.

Ngoài ra, Hà Nội có 141 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn, có thể kết nối với 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hiện thành phố có khoảng 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng theo hình thức trực tuyến, qua website, hotline, app…

Đây sẽ là các điểm bán hàng Tết cho người dân Thủ đô, đảm bảo cung ứng hàng hóa đến tận vùng xa nhất.

Trong trường hợp cần thiết khi xảy ra dịch, bệnh trên địa bàn, các quận, huyện có thể sử dụng 2.500 địa điểm làm kho và điểm bán hàng lưu động; các điểm trung chuyển hàng hóa đã dự kiến; chuyển các địa điểm bán các mặt hàng không thiết yếu (siêu thị, cửa hàng, nhà hàng) sang bán hàng hóa thiết yếu (các địa điểm này do UBND các quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp đề xuất) để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và bộ tiêu chí an toàn trong sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Sở Công Thương Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 39.000 tỷ đồng, tương đương với kế hoạch phục vụ Tết năm 2021. Để đảm bảo cung ứng hàng hóa không bị gián đoạn, Sở Công Thương sẽ tổng hợp, báo cáo UBND TP xem xét tạo điều kiện cấp phép cho xe chở hàng hóa thiết yếu vào nội thành trong dịp Tết vào các giờ cao điểm để đảm bảo lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ dân sinh.