Hà Nội: Nghiêm túc tiếp thu ý kiến góp ý khi xây dựng Đề án chính quyền đô thị

ANTD.VN - Trong mô hình chính quyền đô thị mà thành phố Hà Nội đang xây dựng, nếu vẫn giữ nguyên tổ chức HĐND 3 cấp thì cần bổ sung thêm nội dung gì? Nếu không tổ chức HĐND cấp quận và phường thì vị trí, vai trò của cấp ủy, MTTQ như thế nào?

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội thảo

Chiều nay, 4-5, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội thảo “Thực trạng và đề xuất mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và các cấp chính quyền trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi nhiều vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và các cấp chính quyền đô thị thành phố Hà Nội; đánh giá thực trạng mối quan hệ và để xuất giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả các mối quan hệ này trong điều kiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý về việc nếu vẫn giữ nguyên tổ chức HĐND 3 cấp như hiện nay, thì khi thực hiện chính quyền đô thị cần bổ sung thêm các nội dung gì? Các yếu tố để đảm bảo thực hiện được các giải pháp đó?

Hay nếu không tổ chức HĐND cấp quận và phường thì khi thực hiện chính quyền đô thị, vị trí, vai trò của cấp ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội sẽ như thế nào?...

Các chuyên gia, nhà khoa học phát biểu góp ý tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Hà Nội là một trong hai đô thị đặc biệt của cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tổ chức và hoạt động của chính quyền tại các cấp còn có những hạn chế, tổ chức bộ máy chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả.

Cùng đó, mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở vẫn còn những hạn chế, bất cập.

Quy định về mối quan hệ giữa cấp ủy và người đứng đầu chính quyền trong các văn bản của Trung ương, Thành ủy cũng chưa rõ; quy chế phối hợp, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội với chính quyền còn hình thức...

Thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, nhất là Kết luận số 22 -KL/TW của Bộ Chính trị ngày 7/11/2017 vừa qua, Hà Nội đang xây dựng Đề án thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị của Thành phố trình Bộ Chính trị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, chuyên đề “đổi mới mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội với chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội” là nội dung đặc biệt quan trọng của Đề án này nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị Thành phố.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, Thành phố sẽ nghiêm túc tiếp thu đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được thêm các ý kiến đóng góp của các đại biểu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Đề án chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội thời gian tới.