Hà Nội ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16: Chợ đông đúc, chưa 8h đã hết thịt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Sáng 24-7, ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, người dân đổ xô ra chợ và các siêu thị để mua thực phẩm, hàng tiêu dùng. Nhiều người mua hàng triệu tiền thịt để tích trữ.
Người dân mua rất nhiều thịt về dự trữ, chưa 8h sáng nhiều hàng thịt đã bán hết

Người dân mua rất nhiều thịt về dự trữ, chưa 8h sáng nhiều hàng thịt đã bán hết

Ghi nhận tại chợ Trung Văn (Nam Từ Liêm) cho thấy, lúc 8h30 sáng, nhiều quầy thịt lợn đã gần hết. Người mua thịt nườm nượp. Đáng chú ý, thay vì người dân mua vài lạng thịt đủ ăn hàng ngày thì sáng nay, đa số người mua chọn liền một lúc mấy kg, gồm: sườn, thịt mông, nạc xay…

Xách túi vài cân thịt lợn tổng giá trị hơn 1 triệu đồng, chị Nguyễn Hiền (Trung Văn) cho biết: “Sáng nay tôi mới biết Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, tôi mua luôn một thể, đằng nào nhà cũng phải dùng. May mà ra giờ này còn mua kịp”.

Ở quầy thịt lợn khác, tiểu thương Trần Thị Lan chỉ còn vài miếng thịt vụn trên bàn, vừa bán vừa nói với khách hàng: “Chờ một chút, tôi có thêm nửa con nữa đang mang tới”.

Tại quầy rau quả, cũng khác với mọi ngày, mặc dù thời điểm trên rau quả vẫn còn khá nhiều nhưng đa số người mua đều mua số lượng lớn. Khách hàng thường mua luôn 1kg, vài kg bí xanh, khoai tây, bầu. Rau ăn lá như rau cải mơ, rau muống… hết từ sớm. Giá rau xanh không có biến động.

Tương tự, tại chợ Phùng Khoang (Nam Từ Liêm), lúc 7h30 sáng, hàng quán bán rau xanh, thực phẩm đã gần như hết hàng, chỉ còn lại hàng loại.

Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), sáng 24/7 cổng chính chợ Nghĩa Tân đóng, người dân đi vào chợ bằng cổng phụ. Tại chợ Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), khách đến cũng đông hơn so với ngày cuối tuần thông thường. Hàng hóa đầy đủ nhưng giá tăng nhẹ.

Do nhiều người chưa biết thông tin thành phố sẽ thực hiện giãn cách xã hội từ 6 sáng 24/7 nên một số chợ cóc vẫn hoạt động. Tại chợ cóc ở khu vực cầu Lủ, giáp ranh 2 phường Định Công, Hoàng Mai và Khương Đình (Thanh Xuân), nhiều xe đạp, xe thồ hàng hoa quả vẫn bán dọc đường, một số quầy thịt bò, thịt lợn, rau vẫn bày bán ở vỉa hè, người mua lúc 6-7 h sáng rất đông đúc. Lực lượng chức năng liên tục nhắc nhở nhưng khi họ vắng mặt, tiểu thương lại bán bình thường. Đến khoảng 8h sáng, thịt lợn, thịt bò không còn.

Tại chợ làng Văn Nội, chợ Xổm (Phú Lương - Hà Đông), sáng nay sườn, thịt nạc 140.000/1kg. Hàng thịt rất đông khách. Rau muống 5.000 đồng/1 mớ. Tuy nhiên, bí xanh, khoai tây đã lên vài giá so với phiên trước. Giá các loại trứng đã tăng khá mạnh. Cụ thể, trứng vịt 40.000 đồng/chục; trứng gà 45.000 đồng/1 chục; trứng vịt lộn 45.000 đồng/1 chục. Đến 9h30, chợ đã vãn khách.

Khu vực bán thủy hải sản, gia cầm vẫn có khách ổn định. Các loại trái cây tươi phong phú về chủng loại, giá cả không có động. Bên cạnh việc người dân mua dự trữ hàng hóa thì hôm nay là ngày Rằm nên lượng khách hàng mua sắm cũng đông hơn bình thường.

Tại các chợ, do lượng khách đông, tới dồn dập, dù không xảy ra tình trạng chen lấn, tranh nhau mua hàng nhưng người mua không tuân thủ khoảng cách 2m tại nơi công cộng.

Trong khi đó, các siêu thị lớn tại Hà Nội như Big C, Co.op Mart , AEON Mall Hà Đông, sáng nay cũng đón lượng khách hàng đông hơn trung bình khoảng 30% so với ngày thường. Tại siêu thị Big C Thăng Long, nhiều khách hàng mua cả xe hàng đầy, chủ yếu là thực phẩm tươi sống và thực phẩm khô, chế biến sẵn. Giá cả tại siêu thị ổn định, hàng tươi sống, rau quả đầy đủ, tươi ngon.

Sau khi nhiều quầy hàng tiếp tục bị hết hàng vào tối ngày hôm qua (23-7), sáng nay siêu thị VinMart/ VinMart + đã bổ sung đầy hàng.

Bà Nguyễn Thị Phương- Phó Tổng giám đốc thường trực Công ty VinCommerce (VCM) cho biết cho biết: “Tại Hà Nội, VCM có 41 siêu thị VinMart và hơn 800 cửa hàng VinMart+. Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp lớn tăng lượng cung ứng gấp 3 đối với hàng thực phẩm thiết yếu, trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần.

Các loại sản phẩm có thể dự trữ lâu như bí xanh, khoai tây... cũng nhiều hơn và làm để đảm bảo hàng trên quầy kệ không bị trống”.

Khẳng định nguồn hàng dự trữ rất nhiều và hàng hóa từ các tỉnh vẫn được ưu tiên vận chuyển về Hà Nội, đại diện các siêu thị lớn khẳng định không thiếu hàng để cung cấp cho người dân Thủ đô. Tuy nhiên, nếu sức mua tăng đột biến tại một số thời điểm, một số mặt hàng có thể hết tạm thời là khó tránh khỏi. Siêu thị sẽ nhanh chóng bổ sung hàng đầy kệ nên người dân không cần lo lắng.

Ngoài ra, các siêu thị cũng nhận đặt hàng trực tuyến, giao tại nhà để giảm tập trung đông người tại siêu thị. Người dân có thể lựa chọn kênh mua sắm này để an toàn trong mùa dịch.