- Nắng nóng trên 40 độ C, nguy cơ quá tải lưới điện
- [ẢNH] Người nhà bệnh nhân vạ vật tìm cách tránh nắng nóng kinh người
- Nắng nóng đỉnh điểm, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện lắp điều hòa phục vụ người bệnh
Đùa giỡn với tử thần
Chiều 29-6 vừa qua, tại hồ Đầm Tròn Đông Trạch thuộc địa bàn xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội đã xảy ra vụ đuối nước khá thương tâm. Nạn nhân là anh P.Q.H (SN 1970) đã tử vong khi ra hồ tắm. Theo người dân tại khu vực, dù anh H có biết bơi nhưng do bị cảm, người đang mệt dẫn đến bị đuối nước. Đáng buồn là trước đó cũng tại hồ Đầm Tròn cũng xảy ra vụ việc tương tự khiến một nam thanh niên mất mạng.
Còn tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, vào ngày 15-5, 4 học sinh lớp 6 ra bãi bồi giữa sông Trà Bồng chơi và tắm sông. Trong lúc nô đùa, 2 em học sinh là Đ.H.P và N.V.A.K đã bị hụt chân vào vùng nước sâu và tử vong.
Việc người dân đổ xô đi giải nhiệt tại các sông hồ trong ngày nắng nóng khá nguy hiểm
Trước đó, ở xã Đắk Búk So (huyện Tuy Đức, Đắk Nông), 6 em học sinh Trường THCS Đắk Buk So rủ nhau xuống hồ nước tại thôn 1 để tắm. Trong quá trình tắm, các em bị sa chân vào vùng nước sâu. Dù ngay sau đó, 6 nạn nhân đã được đưa lên bờ, song chỉ có 2 học sinh may mắn thoát chết, 4 em còn lại đã tử vong.
Đó chỉ là vài ví dụ trong số hàng chục vụ tai nạn đuối nước xảy ra từ đầu hè đến nay. Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, hầu như mùa hè nào tại các khu vực ven sông Hồng, hồ Tây, hồ Linh Đàm… và những hồ ở khu vực ngoại thành cũng có người chết vì đuối nước. Mặc dù đã liên tục được cảnh báo, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cho cắm biển cấm tắm tại các khu vực nguy hiểm, thậm chí cử người chốt trực nhưng nhiều người dân vẫn phớt lờ nguy hiểm.
Khi được hỏi về lý do đưa cháu ra bơi tại hồ Tây, ông Đỗ Thành Thông ở đường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ, hồ khá nông lại rộng, chất lượng nước ngày càng được cải thiện nên hầu như mùa hè nào ông Thông cũng đưa các cháu ra bơi và tập bơi.
“Tôi từ nhỏ đã bơi tại hồ Tây, đến nay sức khỏe vẫn tốt. Hồ gần nhà, đặc biệt là được bơi miễn phí, không đông đúc và bẩn như các bể bơi trong khu vực nên tôi và bọn trẻ rất thích bơi ở hồ Tây. Theo tôi, điều quan trọng nhất khi cho trẻ ra hồ là người lớn phải thường xuyên trông chừng đến các cháu” – ông Thông nói.
Không chỉ hồ Tây, các bãi tắm tự phát ở bãi giữa, ven sông Hồng cũng khá tấp nập, dù đã có không ít những vụ đuối nước xảy ra tại các khu vực này.
Nguy cơ bệnh tật từ nguồn nước ô nhiễm
Có thể nói việc đằm mình ở những bãi tắm tự phát ở sông, hồ rất nguy hiểm, luôn tiềm ẩn nguy cơ sụt lún và có những hố tử thần. Ngoài ra, nếu người dân nhảy xuống hồ đột ngột khi đang nắng nóng, dễ bị cảm hoặc chuột rút ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí mất mạng.
Không chỉ đối mặt với nguy cơ bị đuối nước, khi tắm tại các sông, hồ, người dân còn có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Bởi chỉ cần quan sát bằng mắt thường có thể thấy hiện nguồn nước tại các sông, hồ đã bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi rác, nước thải từ khu dân cư, nhà hàng, khách sạn... chưa qua xử lý chảy thẳng ra sông, hồ.
“Khi bơi, tắm trong nguồn nước này, bệnh nhân có thể mắc các bệnh về mắt, tai, viêm da, nhiễm nấm…với các biểu hiện như đau mắt đỏ, viêm ai, da mẩn đỏ, mọc mụn và sưng tấy. Ngoài ra, người bơi còn có nguy cơ mắc bệnh về đường tiêu hóa do trong nước hồ, sông có thể tồn tại ấu trùng giun, sán và E. coli. Nếu uống phải nguồn nước này có thể bị tiêu chảy, nhiễm giun, sán, viêm ruột, tiêu chảy cấp. Thậm chí, khi bơi tại sông, hồ ô nhiễm mỗi cá nhân còn có thể mắc bệnh về đường sinh dục” – Bác sỹ Nguyễn Minh Hiếu – Bệnh viện E khuyến cáo.
Giải nhiệt trong những ngày hè nắng nóng là nhu cầu thiết yếu của mỗi người. Song để đảm bảo an toàn tính mạng của bản thân và con em mình, mỗi cá nhân nên chọn những bãi tắm an toàn, chuẩn bị những dụng cụ cần thiết khi đi bơi và không nên ra những khu vực nguy hiểm đã có cảnh báo. Nếu có trẻ em đi cùng nên để mắt tới chúng, đồng thời chủ động trang bị cho mình về kỹ năng sơ, cấp cứu trong trường hợp có người bị ngạt, đuối nước.