Hà Nội “nâng đời” hàng loạt bệnh viện

ANTĐ - Sở KH-ĐT Hà Nội vừa đề nghị Sở Y tế nghiên cứu đề xuất tháo dỡ các công trình cũ thuộc các dự án nâng cấp 3 bệnh viện của thành phố không cần dùng tiền ngân sách, để tránh lãng phí trong bối cảnh có nhiều khó khăn hiện nay.

Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc vừa có kiến nghị gửi tới các sở ngành của TP Hà Nội, về phương án phá dỡ một số hạng mục công trình thuộc 3 dự án nâng cấp  bệnh viện của thành phố Hà Nội (Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội). Đặc biệt, đơn vị này cam kết không cần dùng tiền ngân sách phục vụ việc phá dỡ và tự thu xếp nguồn vốn, với kinh phí thu được từ việc quản lý và thu hồi toàn bộ các tài sản và vật kiến trúc thuộc các công trình cũ. Nhà thầu Phương Bắc khẳng định, sẽ đảm bảo đúng tiến độ, an toàn, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, và thực hiện đầy đủ các thủ tục theo đúng quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.

Phương Bắc là đơn vị thi công phá dỡ chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, từng phá dỡ thành công nhiều công trình lớn như trụ sở cũ Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (34 Hai Bà Trưng), trụ sở cũ Công ty CP điện máy miền Bắc (số 5 Điện Biên Phủ), trụ sở cũ Tổng công ty Du lịch Hà Nội (18 Lý Thường Kiệt) và nhiều công trình nguy hiểm tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố như nhà nghiêng P3 Phương Liệt; Tháp nước nghiêng Trung Tự; GPMB công trình  thuộc dự án xây dựng đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa, Hoàng Cầu...

Dự án nâng cấp Bệnh viện Thanh Nhàn vừa bước vào giai đoạn II

Sau khi nhận được đề xuất của Công ty CP Phương Bắc, Sở KH-ĐT đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Hà Nội nghiên cứu các ý kiến của Phương Bắc, so sánh với các phương án đã và đang triển khai thực hiện tại các dự án đầu tư của ngành y tế, để đề ra phương án tổ chức thực hiện tối ưu nhất, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí ngân sách Nhà nước; có văn bản báo cáo UBND TP và trả lời nhà đầu tư theo thẩm quyền.

Trước đó, Công ty CP Phương Bắc cũng đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương cho phép được thực hiện phá dỡ, GPMB công trình Trung tâm thương mại Hải Dương (đã bị cháy hôm 15-9) theo phương án tương tự. Cụ thể, nguồn vốn thực hiện phá dỡ sẽ do Phương Bắc tự thu xếp từ việc quản lý và thu hồi toàn bộ các tài sản và vật kiến trúc của công trình cũ, chứ không dùng vốn từ ngân sách.